Đón cơ hội tăng xuất khẩu vào Nhật

Cập nhật ngày: 05/10/2012 05:11:39

Trước những thay đổi mới từ thị trường Trung Quốc, các nhà nhập khẩu hàng dệt may Nhật Bản đã và đang dịch chuyển sản xuất dệt may ra khỏi Trung Quốc. Và Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội để đón nhận đơn hàng, gia tăng thị phần…


Sản xuất quần kaki xuất khẩu sang Nhật tại May Sài Gòn 3

Dệt may tăng trưởng ổn định

Trước cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, sức mua tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều giảm mạnh. Theo đó, tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam (VN) trong năm 2012 cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tại thị trường EU. Trong 3 thị trường xuất khẩu chính của dệt may Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản thì thị trường EU có sự giảm sút mạnh nhất. Tại thị trường Nhật, dù thị phần xuất khẩu còn thấp nhưng tăng trưởng xuất khẩu dệt may vào đây vẫn ổn định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện dệt may là mặt hàng đứng thứ hai sau dầu thô xuất khẩu vào Nhật Bản. Trong khoảng 9,7 tỷ USD hàng hóa VN xuất khẩu vào Nhật Bản trong 9 tháng năm 2012, hàng dệt may đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, với tăng trưởng này, xuất khẩu dệt may vào Nhật trong năm 2012 của Việt Nam sẽ vượt 2 tỷ USD. Hiện Nhật Bản chiếm hơn 13% thị phần xuất khẩu dệt may VN.

Và mục tiêu gia tăng thị phần ở thị trường này sẽ đạt được trong thời gian tới khi mà Việt Nam - Nhật Bản đã có ký nhiều hiệp định thuế quan ưu đãi. Cùng với đó, trước một làn sóng mới, dịch chuyển sản xuất dệt may từ Trung Quốc, VN sẽ là nước đón cơ hội gia tăng xuất khẩu vào Nhật.

Theo đánh giá của các nhà nhập khẩu Nhật Bản, thời gian tới sẽ không còn khái niệm “Trung Quốc + 1” (90% sản xuất tại Trung Quốc, 10% còn lại sản xuất ở các nước), khả năng dịch chuyển sản xuất dệt may khỏi Trung Quốc sang VN sẽ tăng lên 20%-30% về thị phần. Khi đó, xuất khẩu hàng dệt may của VN vào Nhật sẽ vượt qua cả thị trường EU hiện đang chiếm khoảng 16% thị phần của dệt may VN.

Tận dụng tốt hơn ưu đãi thuế quan

Theo ký kết của Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam - Nhật Bản, các mặt hàng nông sản, thủy sản, dệt may, sắt thép, linh kiện điện tử của VN sẽ có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất. Nhờ vậy, hàng dệt may VN xuất khẩu vào Nhật sẽ được hưởng ngay thuế suất 0% nếu đáp ứng được yêu cầu xuất xứ. Đây cũng chính là một sức hấp dẫn để nhà nhập khẩu quyết định chuyển sản xuất, tăng cường đơn hàng nhập khẩu từ VN.

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex) cho biết, lâu nay Garmex chủ yếu xuất khẩu hàng đi Mỹ, EU. Để đón đầu cơ hội này, DN chủ động điều chỉnh tăng thị phần xuất khẩu đi Nhật từ 10% hiện nay lên 20% trong năm 2013. Bên cạnh đó, DN cũng phải đầu tư nâng cấp nhà xưởng, thiết bị dò kim để đảm bảo yêu cầu khắt khe của thị trường Nhật.

Cơ hội đã thấy rõ, tuy nhiên, với yêu cầu xuất xứ phải sử dụng nguyên liệu vải sản xuất tại VN, Nhật hoặc từ các nước ASEAN đã phần nào kìm bớt sự tăng trưởng này. Hiện tại, để tận hưởng thuế suất ưu đãi này, DN chủ yếu sử dụng nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may trong nước còn hạn chế.

Ông Ân cho rằng, nếu không có đầu tư cho công đoạn dệt nhuộm thì chắc chắn sẽ không có vải sản xuất, để hưởng được các ưu đãi từ các hiệp định tự do thương mại (FTA) hay cơ hội lớn cho dệt may VN trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán. Việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho dệt nhuộm cần phải có đầu tư của các cơ quan nhà nước, bởi số tiền đầu tư khá lớn, DN khó làm được. Có như vậy, việc thu hút đầu tư vào đây sẽ nhiều hơn, chuỗi sản xuất dệt may VN mới có cơ hội liền khúc, tự chủ động được nguyên liệu trong nước sản xuất.

ĐH (Theo Mỹ Hạnh-SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn