Đồng bằng sông Cửu Long: Sạt lở tràn lan, dân khốn đốn

Cập nhật ngày: 25/04/2017 10:14:40

Ngày 24-4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo UBND tỉnh An Giang và Bộ NN-PTNT nhanh chóng khắc phục sạt lở bờ sông Vàm Nao ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang).

Phó Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, mất mát của nhân dân bị ảnh hưởng sạt lở bờ sông Vàm Nao… Vụ sạt lở này càng minh chứng, tình hình sạt lở bờ sông ở các tỉnh ĐBSCL đang ngày một nghiêm trọng, dù đã có một số giải pháp phòng chống.

Tiếp tục báo động

Chiều 24-4, nhiều người dân ở ấp Mỹ Hội, xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) tiếp tục di dời tài sản ra khỏi khu vực cảnh báo nguy hiểm của vụ sạt lở kinh hoàng vừa xảy ra 2 ngày trước đó. Tại hiện trường vụ sạt lở, giao thông bị chia cắt, chính quyền xã Mỹ Hội Đông cắm biển cảnh báo nguy hiểm và phân công lực lượng chức năng túc trực đề phòng những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra. Theo Sở NN-PTNT An Giang, ngoài 14 căn nhà và 2 nền nhà bị “bà thủy” nuốt chửng, thì hiện hố xoáy được phát hiện chiều dài khoảng 380m, ngang 120m, độ sâu 42m, được dự báo có thể gây sạt lở thêm tại ấp Mỹ Hội. Có khoảng 107 hộ dân và 1 nhà máy cần phải di dời khẩn cấp để tránh nguy hiểm. Ông Vũ Minh Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, cho biết: “Do phạm vi sạt lở liên tục lan rộng, nên Trường Tiểu học A Mỹ Hội Đông cũng bị ảnh hưởng. Trước mắt, trong ngày 24 và 25-4, học sinh của trường sẽ được tạm nghỉ học, sau đó huyện sẽ đề xuất với Sở GD-ĐT tỉnh chuyển học sinh sang điểm khác để học tạm nhằm đảm bảo thi học kỳ 2. Về lâu dài sẽ tính toán xây trường khác”.


Lực lượng chức năng cùng người dân xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới (An Giang) tháo dỡ nhà tại khu vực sạt lở

Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở “trái mùa” cũng đang khiến nhiều hộ dân khốn đốn. Mới đây, tại khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đã xảy ra vụ sạt lở bờ sông chiều dài khoảng 2.300m, ăn sâu vào đất liền từ 15 - 20m, ảnh hưởng tới 200 hộ dân sinh sống tại đây cùng nhiều kho bãi, cơ sở hạ tầng. Vụ sạt lở đã làm 5 hộ dân phải di dời khẩn cấp ra khỏi vùng nguy hiểm. Đáng lo hơn là điểm sạt lở trên chỉ cách quốc lộ 30 khoảng 20m, nên có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp việc đi lại trên tuyến đường huyết mạch này. 

Theo ghi nhận, tình trạng sạt lở cũng diễn biến liên tục ở Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau… Sạt lở hiện không chỉ xảy ra vào mùa mưa lũ, mà ngay trong mùa khô kiệt cũng xảy ra sạt lở tràn lan. 

Đâu là nguyên nhân? 

Ông Lâm Quang Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến sạt lở nghiêm trọng mấy ngày qua ở xã Mỹ Hội Đông bước đầu được xác định là do khu vực này nằm gần ngã ba sông, nơi hợp lưu giữa 2 dòng chảy của sông Hậu và sông Vàm Nao, tạo áp lực dòng chảy gây ra những hố xoáy dẫn đến sạt lở. Ngoài ra, tình trạng khô hạn, biến đổi khí hậu… cũng có những tác động tiêu cực. Tỉnh An Giang đã mời các chuyên gia từ Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam đến khảo sát, tư vấn những giải pháp khắc phục trước mắt cũng như lâu dài về xử lý sạt lở”.


Sạt lở kinh hoàng ở An Giang trong những ngày qua

Trong ngày 24-4, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi UBND tỉnh An Giang và Bộ NN-PTNT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc khắc phục sạt lở bờ sông Vàm Nao. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan và tỉnh An Giang khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân sạt lở. Từ đó, đề ra các giải pháp thực hiện khắc phục sạt lở, bảo đảm an toàn và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất Thủ tướng giải quyết. Theo UBND huyện Chợ Mới, chiều 24-4, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện cũng đã tổ chức bốc phiếu, phân nền cho 14 hộ dân bị mất nhà hoàn toàn trong vụ sạt lở vừa qua được chuyển về ở khu dân cư vượt lũ xã Mỹ Hội Đông. Huyện đang phối hợp với Sở Xây dựng và các ngành liên quan sớm triển khai xây dựng thêm 1 khu dân cư vượt lũ khoảng 4,8ha nhằm bố trí chỗ ở lâu dài cho hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. 

Về nguyên nhân gây sạt lở tràn lan ở ĐBSCL, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng: “Có 2 yếu tố cốt lõi gây sạt lở là tự nhiên và con người. Yếu tố tự nhiên như sự thay đổi dòng chảy do mưa bất thường, triều cường ngày càng thể hiện rõ; trong khi yếu tố con người là quan ngại nhất. Thời gian qua, tình trạng khai thác cát tràn lan, tăng mật độ xây dựng công trình ven sông, tăng phương tiện đi lại, chặt phá rừng… đã góp phần làm gia tăng tình trạng sạt lở. Trong những yếu tố trên thì khai thác cát là mối lo nhất về sạt lở bờ sông; khai thác cát cũng làm cho lòng sông Tiền, sông Hậu bị hạ thấp rất nhiều và nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì nguy hại về sau sẽ rất lớn”. 

Nhận định sạt lở từ bờ sông đến bờ biển ở khắp ĐBSCL ngày càng lan rộng và nguy hiểm hơn, gây thiệt hại lớn như mất đất đai, tài sản của người dân, đời sống xáo trộn, sản xuất thu hẹp… Tiến sĩ Lê Anh Tuấn cho rằng, cần nhanh chóng ứng phó bằng nhiều giải pháp để giảm thiểu hậu quả do sạt lở.

Khánh Hưng (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn