Gắn dạy nghề với chương trình giáo dục chung và đời sống
Cập nhật ngày: 15/04/2014 05:25:33
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 14/4 nhấn mạnh định hướng cần gắn chặt các nội dung sửa đổi Luật Dạy nghề với các chính sách, cơ chế giáo dục chung, với nhu cầu đời sống và sử dụng lao động của đất nước trong thời kỳ mới.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, sau 8 năm thực hiện, Luật Dạy nghề đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động dạy nghề. Mạng lưới cơ sở dạy nghề (CSDN) được mở rộng, đa dạng về hình thức sở hữu và loại hình với 3 cấp trình độ đào tạo là sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề, đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trình bày dự án luật tại phiên họp.
Ảnh VGP/Nguyên Linh
Mặc dù vậy, hoạt động dạy nghề trong thời gian qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phân bố mạng lưới CSDN chưa hợp lý. Cơ cấu đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu phát triển dạy nghề.
Quy mô dạy nghề phát triển chưa đồng bộ với các điều kiện bảo đảm chất lượng. Đội ngũ nhà giáo dạy nghề còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là về kỹ năng nghề. Cơ chế, chính sách về dạy nghề còn chậm đổi mới; đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề còn hạn chế về năng lực.
Mục tiêu của lần sửa đổi Luật lần này nhằm khắc phục những bất cập trên, đồng thời khẳng định vị thế của dạy nghề như 1 trong 2 trụ cột cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới. Các quy định mới trong dự luật đều hướng tới phát triển hệ thống dạy nghề mở, linh hoạt, đa dạng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung góp ý những vấn đề thuộc quan điểm định hướng xây dựng luật, trước hết là phải gắn với pháp luật về giáo dục chung, thống nhất với Luật Giáo dục tại quy định về giáo dục nghề nghiệp, bao gồm các cấp nghề, các chương trình, tiêu chí mở trường dạy nghề, quy mô tuyển sinh.
Đặc biệt, đa số đại biểu cho rằng dự luật cũng phải phù hợp với chiến lược phát triển nguồn nhân lực của quốc gia, bộ, ngành, địa phương cũng như với yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng nghề trong khung trình độ quốc gia. Từ đó, hình thành các quan điểm về chính sách thuế, thành lập quỹ, các nguồn tài chính đầu tư cho lĩnh vực, về định hướng phục vụ nhu cầu sử dụng lao động.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quan tâm tới các chế định, chính sách khuyến khích dạy nghề, coi đây là cơ sở để thu hút đầu tư, tài chính từ nguồn lực xã hội.
Về đổi mới chương trình, giáo trình và phương thức tổ chức đào tạo nghề, các ý kiến cho rằng việc đổi mới phương thức tổ chức đào tạo nghề theo hướng tích lũy mô-đun, môn học, song lưu ý phương thức này đòi hỏi cao về các điều kiện bảo đảm chất lượng. Do đó, cần bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm chất lượng của CSDN khi chuyển đổi từ đào tạo theo niên chế sang tổ chức và quản lý đào tạo theo phương thức tích lũy mô-đun, môn học.
Tương tự, cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề chỉ nên ban hành khung chương trình đối với các trình độ đào tạo các nghề; quy định cụ thể hơn về chương trình dạy nghề thường xuyên để lấy bằng tốt nghiệp các trình độ đào tạo nghề; quy định cụ thể thời lượng, khối lượng kiến thức thực học đối với chương trình dạy nghề ngắn hạn.
Nguyên Linh(Chinhphu.vn)