Gắn hợp tác xã nông nghiệp với chuỗi giá trị hàng hóa

Cập nhật ngày: 17/06/2016 10:52:41


Đóng gói rau tại xưởng sơ chế rau an toàn Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội)​

Thách thức dài hạn của hội nhập và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp nước ta rất dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, để khu vực kinh tế tập thể với hạt nhân là hệ thống hợp tác xã (HTX) nông nghiệp vận hành theo đúng quỹ đạo, phát triển bền vững, đã đến lúc phải xây dựng các HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa quy mô lớn…

HTX nông nghiệp vẫn “tắc” đầu ra

Trong chuyến đi thực tế với đoàn công tác Liên minh HTX Việt Nam vừa qua, chúng tôi đã tiến hành khảo sát một số HTX các vùng rau của TP Hà Nội, như Vân Nội (Đông Anh) và Lĩnh Nam (Hoàng Mai), để kết nối vào chuỗi cung ứng nông sản an toàn.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX rau an toàn Đạo Đức (Vân Nội, Đông Anh) Đỗ Thị Liên cho biết: đơn vị thành lập từ năm 2003, từ 12 hộ thành viên, đến nay đã có 352 hộ, với 25 ha đất chuyên trồng rau các loại ở vùng rau an toàn Vân Nội. HTX hằng tháng sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 100 tấn rau, chủ lực là các loại rau ăn lá, nhưng hiệu quả cao nhất là cải xanh, cải ngọt và nhất là dưa lê siêu ngọt cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/sào chỉ trong 2,5 tháng. Qua khảo sát thực tế, vùng rau an toàn Vân Nội có lợi thế rất lớn là vị trí ở ngay cửa ngõ Thủ đô, với đặc thù mặt hàng rau tươi chỉ mất mươi phút có thể cung ứng thẳng và nhanh đến hệ thống các cửa hàng, siêu thị tiêu thụ.

Tuy nhiên, những lợi thế này đã không biến thành thực tế khi khó khăn nhất là HTX rau an toàn Đạo Đức (và nhiều HTX nông nghiệp ở đây) đang bế tắc đầu ra, việc kiểm soát các hộ thành viên rất khó khăn. Các HTX rau hiện quy mô hoạt động còn rất manh mún, chưa có bàn tay quản lý đúng tầm của Nhà nước, thậm chí không thể chi phối quy trình sản xuất và tiêu thụ ở các hộ trồng rau thành viên. Trong khi HTX cũng có ý thức và nỗ lực quan tâm sản xuất kinh doanh rau an toàn, nhưng việc giám sát chặt chẽ mức độ sản phẩm rau an toàn đang vượt quá tầm HTX... Một số lãnh đạo các HTX băn khoăn, nếu tồn tại HTX thì các cấp ngành cần phải có cơ chế chính sách quản lý hữu hiệu hơn. Bởi HTX đến giờ bắt buộc phải thay đổi để tồn tại, mặc dù đã duy trì sản xuất rất tốt, nhưng vấn đề phải tìm kiếm đầu ra ổn định.

Nhìn rộng ra các địa phương khác ở miền bắc, như: TP Hải Phòng, Thái Bình... có thể thấy, hầu hết các HTX nông nghiệp ở đây chủ yếu làm dịch vụ đầu vào cho nông nghiệp, tức là phối hợp các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung cấp hàng hóa trả chậm cho nông dân, chứ chưa khẳng định được vai trò định hướng sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm do người nông dân làm ra đến với thị trường. Các phương án sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm giống cây, vật nuôi chủ lực vẫn do người nông dân tự làm.

Hình thành chuỗi liên kết giá trị sản phẩm

Theo quy trình sản xuất nông nghiệp có ba công đoạn, gồm: Sản phẩm, dịch vụ đầu vào (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ khoa học - kỹ thuật...); sản xuất trực tiếp ra nông sản; và dịch vụ đầu ra (thu hoạch, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm...). Công đoạn đầu và công đoạn cuối của chuỗi giá trị nông sản này hiện nay chủ yếu do doanh nghiệp kiểm soát. Vì mục tiêu lợi nhuận và quy luật thị trường, doanh nghiệp thường ép giá bán cao đối với sản phẩm, dịch vụ đầu vào và ép giá thu mua thấp đối với sản phẩm, dịch vụ đầu ra. Toàn bộ lợi nhuận phát sinh ở công đoạn đầu và cuối rơi vào tay doanh nghiệp. Người nông dân bỏ công sức, bỏ chi phí nhiều nhất, nhưng lại thu được lợi nhuận rất ít. Ngoài ra, do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, kinh nghiệm, thiếu vốn, cho nên nông dân thường không sơ chế, bảo quản nông sản để tăng giá trị, mà phải bán nông sản thô, nên càng tạo điều kiện cho tư thương ép giá.

Hiện nay cùng với TP Hồ Chí Minh, Liên minh HTX Việt Nam đang triển khai kế hoạch xây dựng thí điểm mô hình HTX, liên hiệp HTX cung ứng nông sản an toàn tại Hà Nội. Để tháo gỡ vấn đề nan giải này, các HTX cần chủ động hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn, để đạt tới cái đích cuối cùng vì lợi ích người dân trồng rau và lợi ích to lớn của toàn xã hội đang nói không với thực phẩm bẩn. Đây là một hướng đi đúng, nhưng khó, bởi cần phải hội tụ tất cả những yếu tố cần và đủ, như cơ sở vật chất, trình độ nhân lực và cả bề dày kinh nghiệm của những người đứng đầu HTX, từ cấp Trung ương đến địa phương.

Tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác xã được tổ chức ngày 3-6 tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Chưa bao giờ thời cơ và áp lực cạnh tranh với nền kinh tế lớn như hiện nay và điều này thật sự đang chi phối mạnh mẽ đến cuộc sống của hơn 60% dân số Việt Nam - những người làm nông nghiệp và liên quan đến nông nghiệp. Bên cạnh đó, nước ta lại chịu thêm ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán tại các tỉnh miền trung, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Thách thức dài hạn của hội nhập quốc tế và thách thức ngắn hạn có thể lặp lại của biến đổi khí hậu làm cho sản xuất nông nghiệp dễ bị tổn thương. Trong bối cảnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện đường lối lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Trong đó, hai con đường chủ yếu chính là hiện thực hóa liên kết của người sản xuất đơn lẻ thông qua liên kết mô hình hợp tác xã và liên kết doanh nghiệp. Nếu nông dân không đi theo hai trục này sẽ không đủ sức đương đầu với những khó khăn, thách thức và những chính sách lớn của Đảng, Nhà nước không thể đến với nhân dân.

TÂM THỜI (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn