Sự nghiệp, danh dự bắt đầu từ nỗ lực của mỗi người

Cập nhật ngày: 14/06/2016 10:08:06

Thời gian gần đây tình trạng một bộ phận thanh niên (nhất là thanh niên ở khu vực đô thị, phi nông nghiệp) có thái độ thụ động, ỷ lại, lười lao động chân tay, đòi hỏi thụ hưởng vượt quá mức độ cống hiến,… được nhắc đến nhiều trên một số phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn... Điều này đã đặt ra câu hỏi cho mỗi gia đình và cả xã hội: Phải chăng một thế hệ thanh niên lười biếng đang dần hình thành?

Mấy chục năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, kinh tế và truyền thông đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt của người dân. So với các thế hệ trước, ngày nay thanh niên có thêm nhiều điều kiện và phương tiện hỗ trợ học hành, làm việc, nghỉ ngơi và giải trí... Xét theo thời gian, thời đất nước có chiến tranh, ý chí phấn đấu và tinh thần cống hiến đã trở thành điều tâm huyết của toàn xã hội. Từ đó đã hình thành nên các phong trào xã hội sôi nổi, rộng khắp với sự tham gia của mọi thành viên xã hội, như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”,… và dẫn đến sự ra đời những “cánh đồng 5 tấn”, những tấm gương lao động tiên tiến như Anh hùng Hồ Giáo, Phạm Thị Vách; tấm gương thiếu niên vượt khó như Nguyễn Ngọc Ký…

Tất cả đã trở thành tấm gương, động lực để toàn xã hội thi đua, phấn đấu. Với các thế hệ sinh ra trong các năm 70, 80 của thế kỷ 20 (thường được gọi là thế hệ 7x, 8x) hay cận kề, họ từng phải chịu nhiều vất vả, thiếu thốn. Sự vất vả này không tách rời bối cảnh đất nước sau chiến tranh, khi toàn dân tộc cùng Đảng và Nhà nước phải đối mặt với vô vàn khó khăn để phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề từ các cuộc chiến tranh, vượt qua các thách thức của thời kỳ bị cấm vận vô lý. Nhưng cũng chính các khó khăn thiếu thốn đó đã góp phần rèn luyện mỗi người, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, từng bước hình thành đức tính cần cù, chăm chỉ, và tinh thần cố gắng vươn lên khắc phục trở ngại từ hoàn cảnh. Nhiều người trong thế hệ trẻ hôm nay có thể sẽ không hình dung nổi những thiếu thốn, gian khổn của một thời. Khi đó, điều kiện khó khăn đã buộc mỗi người thuộc mọi lứa tuổi, không phân biệt nam, nữ phải tự ý thức trong việc vượt qua mọi thử thách. Chính vì thế, thế hệ đi trước có quyền tự hào vì họ đã tiếp nối xứng đáng truyền thống dân tộc, đã không làm hổ danh cha ông khi hàng triệu người trẻ tuổi đồng lòng: “Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm - Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang - Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ quốc cần”.

Ngày nay, cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam đã và đang từng bước được nâng cao, nhưng mỗi cá nhân vẫn cần có ý chí vươn lên, làm giàu về của cải vật chất và tinh thần bằng lao động chính đáng, chinh phục các thành tựu khoa học, công nghệ,… để vừa khẳng định tư cách một công dân có trách nhiệm với đất nước, vừa góp phần phát triển xã hội. Nhiều thanh niên Việt Nam đã đạt các thành tựu trên một số lĩnh vực xã hội, góp phần làm rạng danh đất nước. Song bên cạnh đó cần nhìn thẳng vào thực tế, Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, trước mắt vẫn còn rất nhiều thách thức. Nếu không ý thức được điều này, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu trước sự phát triển của thế giới. Chính điều này đòi hỏi mỗi người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ phải cố gắng nhiều hơn, phải biết giải quyết hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ. Điều đáng buồn, tâm lý hưởng thụ, ỷ lại không chỉ vẫn tồn tại ở một số người, mà đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ở một số gia đình (nhất là gia đình ở đô thị), hình ảnh cô cậu học sinh dù thể chất cao lớn vẫn được bố mẹ “cơm bưng nước rót” như cho trẻ mầm non; không phải làm những công việc rất nhỏ như quét nhà, rửa bát mà có khi chỉ chơi game chờ tới giờ ăn; ngay cả việc chuẩn bị sách vở đến trường cũng được bố mẹ “lo cho hết”; mọi đòi hỏi về vật chất đều được cha mẹ nhanh chóng đáp ứng... Và hệ lụy của sự nuông chiều ấy đang hiện hình và phát tác trong xã hội qua các hiện tượng tiêu cực như trẻ em bỏ nhà lang thang vì bố mẹ không mua iPhone, đòi gia đình mua xe SH mới đi học,… Có ý kiến cho rằng thói quen quy mọi việc về lợi ích kinh tế và phát triển dịch vụ làm lười nhác con người. Chỉ đơn cử một việc là trước đây tại các trường học, học sinh vẫn thay phiên “trực nhật” một cách rất trách nhiệm, như quét dọn lớp học, chuẩn bị phấn, bảng cho buổi học,… thì ngày nay nhiều trường ở vùng đô thị đã có “bác lao công đảm nhiệm”; học sinh chỉ việc xin tiền bố mẹ nộp phí là xong. Việc tưởng rất đơn giản đó vô hình trung đã góp phần làm mất đi tính giáo dục về ý thức lao động, gìn giữ vệ sinh chung của học sinh. Sự trân trọng công sức lao động của người khác có nguy cơ bị triệt tiêu, coi đồng tiền có thể thay thế lao động, từ đó nảy sinh tâm lý hưởng thụ trên sức lao động của cha mẹ. Mà khi học sinh lười học, lười làm các công việc vừa với sức mình tại gia đình và tại nhà trường, lại sống trong một thế giới nhiều cám dỗ, tất sẽ dẫn đến tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”. Không ít phụ huynh đã suy sụp khi biết con mình lâu nay tưởng chăm chỉ học hành hóa ra bỏ học từ lúc nào, thay vào đó là ăn cắp tiền của cha mẹ để tiêu tốn thời gian trong quán chơi game. Tình trạng trẻ lười vận động, thiếu kỹ năng sống đang là nguy cơ thật sự. Và khi đã trưởng thành, phải tự lập, sự “lười” của giới trẻ còn thể hiện dưới hình thức khác, như: la cà quán xá, tụ tập tối ngày, đến công sở là “ăn cắp” thời gian làm việc để chơi game online, mua sắm online, chơi facebook, xem phim trực tuyến…

Sự biếng nhác, không chịu rèn luyện và chịu những tác động tiêu cực của việc trì trệ ngồi lỳ, dùng nhiều chất kích thích độc hại (rượu, thuốc lá...) tất yếu dẫn đến các hệ lụy trực tiếp với thế hệ trẻ. Những con số được công bố gần đây khiến chúng ta không thể không lo ngại về thể chất của thanh niên Việt Nam. Như “Báo cáo quốc gia về thanh niên Việt Nam” lần thứ nhất do Bộ Nội vụ phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nghiên cứu, xây dựng và công bố tại một hội thảo ngày 2-3-2016 tại Hà Nội cho biết: Về tình trạng sức khỏe thể chất, chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam hiện đạt 164,4 cm (thấp hơn 13 cm so với chuẩn), trung bình chiều cao nữ Việt Nam là 153,4 cm (thấp hơn 10 cm so với chuẩn). Như vậy là tầm vóc của thanh niên Việt Nam kém hơn thanh niên nhiều nước trong khu vực như Nhật Bản, Xin-ga-po, Thái-lan. So với Nhật Bản, Hàn Quốc, chiều cao trung bình của người Việt Nam kém 8 cm; kém người Trung Quốc 7 cm, kém Thái-lan và Xin-ga-po là 5 đến 6cm. Cũng theo bản Báo cáo, số liệu về các tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền, sức mạnh của thanh niên Việt Nam đều xếp ở mức kém và rất kém so với chuẩn… Có nhiều nguyên nhân xã hội để lý giải tình trạng này (di truyền, dinh dưỡng, giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất cho việc rèn luyện thể chất...), nhưng không thể bỏ qua một yếu tố quan trọng là việc tự rèn luyện, vận động của mỗi người để giúp cải thiện, nâng cao sức khỏe bản thân. Trong khi đó, thanh niên Việt Nam lại đang “sở hữu” các con số “cao” không ai muốn, không thể tự hào, như: Tỷ lệ sử dụng rượu bia, thuốc lá cao; chấn thương, tai nạn giao thông (đặc biệt do uống rượu bia quá liều); 30,8% người tử vong vì tai nạn giao thông là thanh niên trong độ tuổi 20 đến 24… Không chỉ lười tập luyện, mà một bộ phận giới trẻ còn đang cố tự đẩy mình vào nguy cơ lười suy nghĩ, lười vận động, lười sáng tạo... Đó là những hiện tượng, những con số qua đó có thể phác dựng nên hình ảnh thiếu sáng sủa một bộ phận giới trẻ hôm nay.

Thanh niên là những người quyết định tương lai vận mệnh của dân tộc, là người chủ của đất nước ngày mai. Trên những chặng đường đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin vào thanh niên Việt Nam - lực lượng xung kích của cách mạng. Từ rất sớm, Người đã nhìn nhận và khẳng định thanh niên như một yếu tố quyết định sự hưng vong của dân tộc. Năm 1925, trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Nguyễn Ái Quốc viết: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu đám thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh” (Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 2, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, tr.144). Trong những bước chuẩn bị cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đối tượng vận động cách mạng đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc là thanh niên. Tổ chức cách mạng đầu tiên, tiền thân của Đảng, do Người thành lập và rèn luyện là một tổ chức thanh niên: Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Sau này Người còn nhiều lần nhấn mạnh, như: “Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Theo lời kêu gọi và dưới sự lãnh đạo của Người, những năm tháng trước đây, nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã góp sức lực và cả máu của mình, không quản ngại gian khổ hy sinh cho sự nghiệp chung của dân tộc. Không có ý nghĩa nào khác, thành tựu của hôm nay bắt nguồn từ tấm gương phấn đấu, hy sinh của hàng triệu thanh niên Việt Nam.

Việt Nam muốn tiếp tục phát triển, thanh niên Việt Nam cần có ý chí và nỗ lực, có ý thức phấn đấu vươn lên, không đánh mất mình trong sự lười biếng, ỷ lại, chỉ biết hưởng thụ mà không quan tâm cống hiến hoặc không ý thức được rằng, sự phát triển của xã hội chỉ là điều kiện, còn sự nghiệp và danh dự của mỗi người lại phải bắt đầu từ chính bản thân họ. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, có nhiều chính sách thiết thực, cụ thể tạo điều kiện giúp thanh niên phấn đấu và trưởng thành, phần còn lại thuộc về bản thân mỗi người. Thiết nghĩ, mọi việc cần bắt đầu từ những việc rất nhỏ như tăng cường rèn luyện về thể chất và tinh thần, tạo ra nhiều “sân chơi”, diễn đàn, phong trào mới và bổ ích để thu hút thanh niên; từ ý thức phải thoát khỏi sự trì trệ, lười biếng trong những điều tưởng là nhỏ nhặt hằng ngày ở mỗi gia đình, với mỗi người; từ ý thức tự rèn luyện và hoàn thiện mình trong những cơ hội, môi trường và phương tiện mà xã hội đã tạo dựng để thanh niên hoạt động.

THIÊN PHƯƠNG (NDĐT)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn