Ghép tạng ở Việt Nam vẫn gặp trở ngại về nguồn hiến tạng
Cập nhật ngày: 09/03/2016 09:41:54
Ghép tạng ở Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn. Nhiều kỹ thuật mới được thực hiện như ghép tạng từ người cho chết não và tim ngừng đập hay ghép tim, tụy, đa tạng... đã cứu sống nhiều người bệnh.
Một ca ghép tạng tại Bệnh viện Việt Đức. (Nguồn: TTXVN)
Song do đội ngũ y bác sỹ làm công việc này chưa chuyên sâu, cộng thêm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật còn yếu đã khiến nguồn cung (hiến tặng) chưa nhiều.
Bước tiến lớn trong ghép tạng
Đầu năm 2010 ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó ghép tạng từ người cho chết não liên tiếp được thực hiện ở các bệnh viện như Việt Đức, Học viện Quân y, Bệnh viện Trung ương Huế.
Và trong các phẫu thuật này, thời gian phẫu thuật của mỗi loại ghép và thời gian sống thêm sau ghép tương đương các ca ghép trên thế giới. Đây là bước ngoặt lớn của y học trong nước, bởi so với việc ghép tạng từ người cho sống, kỹ thuật ghép tạng từ người cho chết phức tạp hơn.
Giáo sư-tiến sỹ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội ghép tạng Việt Nam nhận định từ năm 2010, ngành ghép tạng đã giải quyết được những vấn đề về chết não như chẩn đoán chết não, hồi sức chết não để lấy tạng, chỉ định lấy các tạng ghép của bệnh nhân chết não, các kỹ thuật lấy và bảo quản tạng ghép ở người chết não. Điều này đã giúp thực hiện được việc ghép các tạng mà không thể lấy từ người cho sống như tim, tụy, phổi, đa tạng… Điều quan trọng hơn nữa là góp phần giải quyết vấn đề khó khăn nhất của ghép tạng là thiếu nguồn hiến tạng.
Do làm chủ được kỹ thuật ghép tạng từ người hiến chết, mà ghép tạng đã đưa số lượng bệnh nhân được ghép hằng năm tăng nhanh. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, cả nước đã ghép được gần 1.300 trường hợp, trong đó có 1.200 ca ghép thận, 34 ca ghép gan, 14 ca ghép tim và một ca ghép tụy, nhiều hơn gấp 4 lần so với 17 năm trước (từ ca ghép tạng từ người cho sống đầu tiên năm 1992 cho đến năm 2009). Đặc biệt, 35 bệnh nhân chết não đã hiến tạng ghép cho 100 bệnh nhân.
Nhờ được nhận tạng từ người cho chết não, cơ hội sống của những người bệnh giai đoạn cuối như suy gan, thận, tim, phổi... được cứu sống nhiều hơn.
Nghệ sỹ cải lương Minh Vương là một trong số những người được nhận tạng từ người cho chết não. Cách đây bốn năm, ông phát hiện mình bị suy thận mãn tính, thận ứ nước, chân sưng vù đi lại khó khăn. Sau vài tháng điều trị bên ngoài nhưng bệnh không thuyên giảm, ông quyết định vào Bệnh viện Chợ Rẫy chạy thận để kéo dài sự sống. Mặc dù vậy, do tuổi cao (66 tuổi) lại phải chạy thận 3 buổi/tuần khiến ông rất mệt mỏi và gây cho ông nhiều bất tiện trong cuộc sống, công việc.
“Rất may mắn, sau vài tháng chạy thận tôi được thông báo có thận để ghép từ một người chết não. Tôi rất biết ơn người đã hiến thận cho tôi, nhờ có thận mới tôi được tiếp tục sống và cuộc sống của tôi đến nay có nhiều thay đổi theo hướng tốt hơn,” Nghệ sỹ Minh Vương chia sẻ.
Không chỉ giới hạn ghép tạng trong khuôn khổ một bệnh viện, một vùng, mà từ tháng 9/2015 ghép tạng đã bước thêm một bước tiến đó là ghép tạng xuyên quốc gia. Thông qua “Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia,” tạng được lấy từ người hiến chết não ở Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để ghép, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả lấy tạng từ người cho chết não, tránh tình trạng tạng không được ghép do không có người tương thích, đồng thời tạo ra mối gắn kết giữa các đơn vị điều phối ghép tạng ở các bệnh viện trong cả nước.
Những trở ngại về ghép tạng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, từ năm 2006 đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, song đến nay số người chết não hiến tặng tạng rất ít, chưa đến 50 người. Điều này do ảnh hưởng của tâm lý, quan niệm của người dân. Bên cạnh đó là sự bất cập về mặt tổ chức, phục vụ cho ghép tạng ở các bệnh viện còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực.
Bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép bộ phận cơ thể người - Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ hiện tại bệnh viện có hơn 1.500 đơn đăng ký hiến tạng, nhưng đến nay chỉ có 14 người chết não và ngưng tim cho tạng. Đó là do quan niệm của người Việt Nam khi chết phải được nguyên vẹn. Vì vậy, khi thuyết phục người nhà bệnh nhân đồng ý cho tạng theo nguyện vọng của người đã chết, nhiều trường hợp chúng tôi gặp sự phản ứng rất gay gắt, thậm chí bị đánh.
Bên cạnh đó, nhiều người lại không hiểu rõ về cách cho tạng như thế nào là đúng. Chẳng hạn, một bệnh nhân có ý nguyện hiến tạng, nhưng khi bệnh nhân có tình trạng xấu đi, người nhà không đưa lên bệnh viện, chỉ đến khi bệnh nhân qua đời vài tiếng mới gọi điện thoại thông báo. Họ không biết được rằng trước khi lấy tạng, cần phải làm các xét nghiệm cần thiết để nắm rõ tình trạng các tạng và thời điểm lấy tạng phù hợp nhất là ngay sau khi tim bệnh nhân ngưng đập.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện đã tiến hành ghép tạng nhưng chưa có một cơ quan, bộ phận nào chuyên trách riêng về ghép tạng trong bệnh viện. Mỗi lần ghép là phải huy động các khoa liên quan cùng tham gia.
Vì không có một bộ phận chuyên trách về ghép, nên việc ghép không được quan tâm thường xuyên. Ngoài ra, các bệnh viện có khả năng ghép tạng là các bệnh viện có khả năng thực hiện nhiều kỹ thuật công nghệ cao như Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, nên thường bị quá tải trong khám chữa bệnh, do đó cũng khó khăn cho công việc ghép tạng vì thiếu nhân lực và thời gian.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết ghép tạng là hoạt động y tế liên quan rất nhiều đến con người, đặc biệt đòi hỏi đội ngũ bác sỹ có trình độ cao, được đào tạo bài bản. Trong khi đó, đối với bệnh viện nguồn nhân lực này đang rất thiếu.
"Nếu một tháng có một ca ghép tạng chúng tôi vẫn thực hiện được, nhưng khi số lượng tạng cho nhiều, ghép đa tạng trở nên thường quy, cứ 2 -3 ngày có một ca ghép tạng, lúc đó chúng tôi không đủ người để thực hiện. Ngay tại thời điểm thực hiện chuyển tạng ra Bệnh viện Việt Đức, chúng tôi đã phải huy động gần 150 cán bộ viên chức ở tất cả các đơn vị cùng tham gia công tác tổ chức lấy tạng," phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.
Ghép tạng là biện pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân bị bệnh giai đoạn cuối và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh. Và một người mất đi nếu hiến tạng có thể cứu được 5-6 người. Để có thêm nhiều người hiến tạng, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để người dân hiểu biết và ủng hộ, cũng cần có chế độ, chính sách phù hợp và thỏa đáng đối với người hiến tạng.
Theo Lan Phương/TTXVN