Giải bài toán giá cá tra ở ĐBSCL

Cập nhật ngày: 18/06/2014 05:25:57

TP. Cần Thơ hiện nay chỉ còn 17 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, 5 doanh nghiệp chuyển sang chế biến mặt hàng khác hoặc ngừng hoạt động do trong thời gian 6 tháng vừa qua, giá cá tra trên thị trường chỉ ở mức 20.000-23.000 đồng/kg, với giá bán này thì người nông dân không có lãi, hiệu quả kinh tế thấp.


Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham quan thực tế tại trang trại cá tra Ngọc Tiên. Ảnh: VGP/Từ Lương

Chiều 17/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo TP. Cần Thơ đã có buổi làm việc với Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ; tham quan thực tế tại trang trại cá tra Ngọc Tiên tại huyện Cờ Đỏ - mô hình trang trại điển hình ở Cần Thơ và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP.

Mục đích buổi làm việc là nhằm lắng nghe những kiến nghị của Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ cũng như những tâm tư của người nông dân đang trực tiếp đầu tư nuôi trồng cá tra thương phẩm, từ đó MTTQ Trung ương sẽ cùng người nông dân giải bài toán mất giá của mặt hàng cá tra.

TP. Cần Thơ có tổng cộng 30 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 22 doanh nghiệp chế biến cá tra (có nhà máy chế biến). Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 17 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra, 5 doanh nghiệp chuyển sang chế biến mặt hàng khác hoặc ngừng hoạt động. Lý do chủ yếu do trong thời gian 6 tháng vừa qua, giá cá tra trên thị trường chỉ ở mức 20.000-23.000 đồng/kg, với giá bán này thì người nông dân không có lãi, hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, chi phí dành cho việc cấp giấy chứng nhận GobalGAP hàng năm lại ở mức cao.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, hiện việc cung cấp yếu tố đầu vào cho nông dân hầu như không có gì thay đổi, vẫn cung cấp nhỏ lẻ, vẫn phân tán. Hiện cũng không có cuộc cách mạng nào đối với việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng, vẫn nông dân bán các khâu trung gian, khâu trung gian mua lại, bán tiếp, người nông dân không được Nhà nước quan tâm hỗ trợ ở khâu trước và khâu sau. Đó là một trong những nguyên nhân cần khắc phục để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà Chính phủ đã xác định.

Từ Lương(Chinhphu.vn)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn