GS Nguyễn Lân Dũng: “Nhiều cấp Phó rất hay làm hỏng việc lớn”
Cập nhật ngày: 13/06/2015 07:58:44
"Nếu cấp Phó không có nhiều cơ hội thêm bổng lộc thì tôi tin rằng, những chuyên gia giỏi vẫn chỉ muốn làm theo chức năng và hiểu biết sâu của mình".
Xung quanh câu chuyện “lạm cấp Phó” đang nóng trên nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng “lạm phát” cán bộ không chỉ tốn ngân sách mà còn gây chồng chéo trong công việc và không loại trừ đùn đẩy trách nhiệm, để rồi “cha chung không ai khóc”.
GS.TS. NGND Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, nguyên đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII cho rằng, giúp việc Bộ trưởng không cần quá nhiều Thứ trưởng. Vì các nước lớn hơn ta, kinh tế phát triển hơn ta cũng đâu có nhiều Thứ trưởng? Hơn nữa Bộ trưởng phải là người quyết định, nên chỉ cần những người giúp mình phải có kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp, và không cần những người chỉ am hiểu một lĩnh vực hẹp.
GS.TS.NGND Nguyễn Lân Dũng phát biểu trước Quốc hội. Ảnh TTXVN
PV: Thảo luận về Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, theo Thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ quy định Sở không quá 3 Phó Giám đốc nhưng hiện có tới 4-5. Khi có ý kiến thì họ nói Trung ương quy định không quá 4 Thứ trưởng nhưng thực tế có 6-7. Luật đúng nhưng làm không nghiêm, trên sai một ly dưới đi một dặm và nếu không khắc phục thì “nhờn” luật, ông nhận định thế nào về ý kiến này?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Việc thông qua một Luật cần thật thận trọng vì nó liên quan đến toàn dân, đến thể chế của chế độ. Vì vậy các đại biểu Quốc hội phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phải gắng sức tham khảo nhiều chuyên gia và cử tri có hiểu biết pháp luật trước khi biểu quyết.
Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa mới được Quốc hội thông qua đã xác định rõ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận. Vì vậy, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận, nhất là Hội đồng tư vấn Pháp luật vần có đủ thời gian để nghiên cứu, thảo luận và báo cáo lên Ban thường trực và từ đó chuyển ý kiến chính thức sang Quốc hội.
Khi đã thảo luận kỹ lưỡng, lắng nghe mọi ý kiến khác nhau thì Luật sẽ là pháp lệnh bắt buộc mọi cấp mọi ngành phải nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu làm sai Thủ tướng Chính phủ phải thi hành kỷ luật một cách dứt khoát và không nương nhẹ.
Luật Tổ chức Chính phủ chưa được thông qua, nhưng tôi tin rằng đa số các đại biểu Quốc hội sẽ thấy giúp việc Bộ trưởng không cần quá nhiều Thứ trưởng. Vì các nước lớn hơn ta, kinh tế phát triển hơn ta cũng đâu có nhiều thứ trưởng? Hơn nữa Bộ trưởng phải là người quyết định nên chỉ cần những người giúp mình phải có kiến thức và kinh nghiệm tổng hợp, chứ đâu cần những người chỉ am hiểu một lĩnh vục hẹp. Dưới Thứ trưởng đã có các Cục, các Vụ, đó mới là nơi tập hợp các chuyên gia am hiểu sâu về từng lĩnh vực.
PV: Việc “lạm cấp Phó” là do nể nang, do phong trào hay thực sự vì đòi hỏi của công việc? Theo ông, vì sao có tình trạng như vậy?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Nếu cấp Phó không được tăng lương, cấp phát quyền đi xe công và nhiều cơ hội để có thêm bổng lộc (chính đáng và bất chính) thì tôi tin rằng, những chuyên gia giỏi vẫn chỉ muốn làm theo chức năng hiểu biết sâu của mình chứ thích thú gì làm Thứ trưởng để không còn điều kiện học hỏi thêm về nghiệp vụ mà mình đã có nhiều kinh nghiệm.
Khi đã xác định Thứ trưởng là người giúp việc Bộ trưởng chứ không phải người quyết định Bộ trưởng, thì rõ ràng quyền hạn của Thứ trưởng phải cụ thể và phải chịu trách nhiệm cao về các ý kiến tư vấn cho Bộ trưởng.
Trong thực tế, tôi còn thấy một số Bộ trưởng giao quyền quyết định cho Thứ trưởng và khi làm sai thì đổ hết trách nhiệm cho Thứ trưởng (thậm chí cho… nhân viên đánh máy!). Việc “ký nháy” cũng cần nghiêm túc xem xét lại. Không được quyền phát hành các công văn có cả chữ ký nháy (có khi còn ký rất to!). Thứ trưởng phải trực tiếp gửi kiến nghị bằng văn bản lên Bộ trưởng và Bộ trưởng xem xét để quyết định.
Nên chấm dứt chuyện cứ thấy có ký nháy của Thứ trưởng là Bộ trưởng ký. Thời trước ở nước ta và ngay ở các nước khác hiện nay đâu có chuyện kỳ lạ này?
PV: Từng có người nói rằng, vì họp hành quá nhiều nên cần nhiều Thứ trưởng và cấp Phó ở Sở, ngành để đi họp, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Họp là việc trao đổi ý kiến sau khi đã tìm hiểu sâu sát thực tế. Bộ nào cũng rất đông cấp Thứ trưởng, Cục trưởng, Vụ trưởng, chưa kể đến vô số nhân viên, nhưng thật đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều chuyện hầu như đối tượng phải thi hành trong cả nước đều không tán thành mà vẫn cứ quyết định một cách rất bảo thủ.
Nếu được hỏi, tôi có thể kể ra vô số chuyện như vậy. Đấy là chưa kể đến việc không thấy cần nghe ngóng, xem xét và trả lời chính thức những ý kiến phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - những cơ quan có quyền phản biện theo quy định của pháp luật.
PV: Ông nghĩ sao về ý kiến, cơ quan quá nhiều cấp Phó sẽ dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ và khó quy trách nhiệm?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Bộ trưởng là Tư lệnh của một lĩnh vực. Chỉ có Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng chứ không phải ai khác. Vì vậy, Bộ trưởng nên ít họp hành hơn, trừ khi đi họp với Chính phủ. Và không nên tham gia Quốc hội trừ khi là khách mời trong những lúc cần trả lời.
Bộ trưởng cần giao nhiệm vụ rất cụ thể cho Thứ trưởng và nghe ý kiến của Thứ trưởng bằng chính tài trí của mình, chứ không dễ dàng theo ý quyết định của Thứ trưởng. Ở nhiều nước, Bộ trưởng nhiều Bộ quan trọng mà họ chọn người rất trẻ. Tất nhiên, không thể không tin đó là những người rất giỏi, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của chính mình và không hề đổ tội cho ai khác.
Khi nào các Thứ trưởng được Bộ trưởng uỷ quyền mới được phát biểu như kiểu quyết định tại các Hội nghị, không được nói rất cụ thể như lâu nay khi chưa có sự đồng ý của Bộ trưởng. Bộ trưởng không thể tránh trách nhiệm về các ý kiến chưa chính xác của các Thứ trưởng.
PV: Tuy nhiên, việc nhiều cấp Phó cũng dẫn tới tốn ngân sách bởi kèm theo đó là xe công, thư ký, giúp việc, thưa ông?
GS.TS Nguyễn Lân Dũng: Ta không sợ tốn kém khi thực sự có hiệu quả. Nhưng nhiều cấp Phó rất hay làm hỏng việc lớn. Cấp Trưởng thường ỷ lại và không cần đi sâu đi sát các nhiệm vụ đã được giao lại cho cấp Phó. Nên luôn nhớ cấp Phó chỉ là người giúp việc cho mình. Mình phải tự tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin, nhiều nguồn phản biện chứ không thể nhất nhất nghe ý kiến của cấp Phó. Xin nhắc lại chịu trách nhiệm bao giờ cũng phải là cấp Trưởng, kiểu như Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.
Bất kỳ chuyện gì sai cũng không thể đổ lỗi cho Thứ trưởng, mà chỉ có thể nhận lỗi trước Thủ tướng và xem xét lại tinh thần trách nhiệm cũng như năng lực của vị Thứ trưởng đã tham mưu sai.
Để có những người thực sự đáng chia sẻ với trách nhiệm của Bộ trưởng, theo tôi, Bộ trưởng nên tổ chức công khai thi tuyển Thứ trưởng theo một danh sách do cán bộ trong Bộ và các chuyên gia ngoài Bộ kiến nghị. Càng không bao giờ nên chọn những người vừa kém chuyên môn lại vừa thích quyết định như là thay Bộ trưởng khi Bộ trưởng chưa uỷ quyền.
Khi Thứ trưởng có những quyết định sai thì ở nước ngoài họ từ chức một cách rất tự trọng.
Tôi không thể quên được câu chuyện ông kỹ sư Nhật Bản tự tử khi để xảy ra sai sót khi làm cầu ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù chưa xảy ra tai nạn gì đáng tiếc. Cảm kích trước tinh thần tự trọng của vị kỹ sư này mà nhiều ý kiến đề nghị nên dùng tên ông ta để đặt tên cho chiếc cầu ấy.
PV: Xin cảm ơn ông.
Theo Kim Anh/VOV