Hành động vì lợi ích của người dân
Cập nhật ngày: 19/03/2017 06:43:04
Những ngày qua, thái độ kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Và chuyện “vỉa hè dành cho ai?” tưởng như đơn giản nhưng nếu thiếu sự quyết tâm của các cơ quan chức năng và ý thức tự giác của mỗi người dân thì sẽ không thể giải quyết triệt để.
Đầu năm 2017, “chiến dịch” giải tỏa tình trạng lấn chiếm vỉa hè được tiến hành tại quận 1, TP Hồ Chí Minh, đã nhận được sự chỉ đạo thông suốt từ lãnh đạo thành phố đến cấp cơ sở. Với những gì diễn ra có thể thấy, một chủ trương muốn đạt được hiệu quả, phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm hành động của chính quyền cơ sở cũng như cách thức xử lý tại hiện trường. Từ các công trình xây dựng lấn chiếm vỉa hè đến các hàng quán, mái che, mái vẩy, bồn hoa xếp đặt tự phát không nằm trong quy hoạch, ô-tô đỗ sai quy định,... đều bị xử lý, không có trường hợp ngoại lệ, không kể khung giờ,... là thông điệp rõ ràng cho thấy quyết tâm của chính quyền; và một số ứng biến nhanh, linh hoạt, hiệu quả với tình huống mới nảy sinh trong quá trình giải tỏa được dư luận hoan nghênh. Chỉ trong thời gian ngắn, bộ mặt đường phố ở quận 1 đã được cải thiện rõ rệt. Tiếp sau quận 1, việc lập lại trật tự đô thị, giành lại vỉa hè cho người đi bộ được triển khai mở rộng trên toàn thành phố. Cùng thời điểm, tại Hà Nội và một số đô thị khác trên toàn quốc cũng triển khai “chiến dịch” tương tự, và cũng được tiến hành với quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện nghiêm túc các quy định đã được ban hành từ trước, không để tình trạng lấn chiếm tái diễn.
Ở các đô thị của Việt Nam, nhiều năm nay việc quản lý vỉa hè được phân cấp đến từng phường, theo đó chính quyền cơ sở có trách nhiệm kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý hành vi sai phạm xảy ra trên địa bàn. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng khác, như thanh tra giao thông, cũng hỗ trợ đắc lực trong tổ chức, quản lý các tuyến phố. Điều này cho thấy việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn được các địa phương chú ý, quan tâm. Tuy nhiên, dù có nhiều văn bản và chỉ thị, dù đã tiến hành nhiều đợt “ra quân” nhằm lập lại trật tự đô thị nhưng sự chuyển biến vẫn chưa được như mong muốn. Bởi thường thì khi lực lượng chức năng xuất hiện là các hàng quán vội vã dọn dẹp, thu bàn ghế, kéo gọn mái che,... nhưng khi lực lượng chức năng vừa đi khuất, thì tình trạng vi phạm lại tái diễn: vỉa hè tiếp tục biến thành nơi bán hàng, họp chợ, lòng đường bị chiếm dụng thành nơi trông giữ xe trái phép... Thực tế cho thấy những biện pháp xử lý vi phạm trật tự đô thị không đủ sức răn đe, vì vậy kết thúc mỗi đợt “ra quân” rầm rộ, mọi việc hầu như trở lại như cũ.
Vỉa hè bị chiếm giữ trái phép không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan đô thị, mà còn đồng nghĩa với việc Nhà nước bị thất thu thuế, đồng thời phải tốn thêm nhân lực, ngân sách cho các đợt “ra quân” nặng về hình thức mà không có hiệu quả. Nguyên nhân có nhiều, song theo phản ánh trên báo chí thì phổ biến nhất vẫn là do các đội quản lý trật tự đô thị, lực lượng công an, dân phòng của địa phương - trực tiếp là các phường, đều quen biết, thậm chí có quan hệ gần gũi với người vi phạm nên xuê xoa, bỏ qua, nhắc nhở chiếu lệ, nương nhẹ “người quen”; trong khi đó lại xử lý nghiêm khắc với người từ nơi khác đến buôn bán. Ngày 4-3, phát biểu tại Hội nghị quán triệt kế hoạch của TP Hà Nội về tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm trật tự giao thông, đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn chỉ rõ: “Phải có “chống lưng” thì mới dám bán công khai. Tôi đã có điều tra rất kỹ, 87% các quán đều có công an đứng sau”! Người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội cũng nêu rõ quyết tâm của địa phương là: “không thể ra quân rầm rộ mà phải làm bền vững để không có tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè lòng đường, người dân tâm phục khẩu phục”. Để tránh bệnh hình thức, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các phường, xã tiến hành “dẹp nạn vỉa hè” theo ba bước, gồm: bước một, chủ tịch UBND các phường, xã có thư ngỏ về việc không lấn chiếm vỉa hè bán hàng, kinh doanh trái phép gửi đến từng hộ gia đình, giao trách nhiệm cho cảnh sát khu vực; bước hai, bắt đầu kiểm tra nhắc nhở, định ra thời hạn thực hiện tự tháo dỡ; bước ba, bắt đầu cưỡng chế và phạt. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng được chỉ rõ: “Trưởng công an phường tham gia cấp ủy, về mặt Đảng là hoàn toàn có thể cách chức nếu không xử lý được vi phạm trật tự vỉa hè”. Không chỉ dẹp “nạn vỉa hè”, Hà Nội còn kiên quyết xử lý nạn xe dù bến cóc, xử lý xe ô-tô đậu sai quy định,...
Việc chính quyền ở các địa phương khẳng định kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự đô thị cần được ủng hộ, cho dù chắc chắn sẽ đụng chạm tới lợi ích của một số người. Thậm chí điều này có thể dẫn tới phản ứng tiêu cực, có thể là hành vi chống đối trong những ngày đầu tiến hành (mà việc một Phó Chủ tịch phường thuộc quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh đã bị các đối tượng manh động dùng cây tiến công, là một thí dụ). Bên cạnh đó, những ngày qua còn xuất hiện một số “anh hùng bàn phím” trên mạng xã hội lớn tiếng yêu cầu: “Chính quyền cần thi hành việc lập lại trật tự theo “đúng quy trình”, phải thông báo thời hạn, phải tuân thủ những thủ tục luật định”? Các vị “anh hùng” đó quên (cố tình quên) rằng các chủ trương, hành động quyết liệt để lập lại trật tự đô thị ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các đô thị khác đều là các chủ trương, hành động để thực thi các quy định của pháp luật được công bố từ trước, các quy định đó là cơ sở pháp luật để xử lý vi phạm, và như vậy hoàn toàn theo đúng trình tự thủ tục. Cụ thể, UBND thành phố Hà Nội, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND các tỉnh đều đã công bố các quy định về quản lý trật tự đô thị, quyết định thành lập các đội trật tự đô thị,... và trước khi lực lượng chức năng tiến hành tháo dỡ công trình vi phạm, chính quyền của các địa phương đều tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục người dân trên địa bàn. Vì vậy nhiều hộ dân đã chủ động đập bỏ, tháo dỡ những phần đã lấn chiếm trái phép. Sự đồng thuận đó là tín hiệu đáng mừng, tạo điều kiện thuận lợi giúp chính quyền thực thi chức trách, thi hành pháp luật.
Nhìn tổng thể, số người lấn chiếm lòng đường, vỉa hè đô thị để mưu lợi riêng là rất nhỏ so với số người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các vi phạm này. Hằng ngày, rất nhiều người đi bộ đã phải len lách qua hàng loạt chướng ngại vật trên vỉa hè, thậm chí bị đẩy xuống lòng đường, đối mặt nguy cơ mất an toàn giao thông. Nhưng nhìn sâu hơn, đó là sự mệt mỏi, chán chường, thất vọng của số đông dân chúng trước một vấn nạn không được giải quyết triệt để. Đó là sự nghi ngờ của người dân về năng lực của bộ máy chính quyền cơ sở, bắt nguồn từ sự bất lực của hệ thống này trước sự lộn xộn của vỉa hè sau nhiều lần “ra quân”. Đó là sự tha hóa, quan liêu,... của một số cán bộ, nhân viên chính quyền địa phương đã tiếp tay cho sự lộn xộn, mất vệ sinh, để lại hệ lụy nguy hiểm... Còn các hư tổn không dễ nhìn thấy nữa là hình ảnh những đường phố nhếch nhác, bụi bặm, vỉa hè bừa bãi đưa tới cái nhìn thiếu thiện cảm của khách du lịch quốc tế về cảnh quan đô thị tại Việt Nam. Do đó, hành động mạnh mẽ của chính quyền tại một số địa phương nhằm lập lại trật tự đô thị đã mang lại lợi ích chính đáng, tạo sự thân thiện trong môi trường xã hội với đông đảo người dân. Nếu công việc này được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm khắc, kịp thời cả người vi phạm và những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, chúng ta sẽ có những đô thị văn minh với đường phố sạch sẽ, thông thoáng. Điều quan trọng là phải duy trì và nâng cao các kết quả tích cực đã đạt được. Đây là điểm mấu chốt để tăng cường lòng tin của người dân với chính quyền.
Việc quyết tâm lập lại trật tự đường phố ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh,… cần được cổ vũ, và luôn phải chú ý rằng, công việc này chỉ có thể đạt kết quả khi có sự vào cuộc của các cấp chính quyền và ý thức tự giác của người dân. Các phương tiện truyền thông cần tích cực ủng hộ cách làm đúng, việc làm hay, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Từ việc quyết tâm lập lại trật tự trên vỉa hè đô thị, cũng có thể thấy quyết tâm xây dựng hệ thống chính quyền liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - mục tiêu mà chúng ta đang hướng tới.
THIÊN PHƯƠNG/NDĐT