Khai mạc triển lãm "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”

Cập nhật ngày: 10/07/2013 06:07:27

Sáng 9/7, tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A, Điện Biên Phủ, Hà Nội) đã khai mạc Triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”.

Triển lãm do Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức. Tới dự và cắt băng khai mạc triển lãm có ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT&TT và lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành liên quan.

Dựa trên cơ sở kết quả các cuộc triển lãm đã được tổ chức tại Đà Nẵng đầu năm nay và sau đó tại Hà Tĩnh (tháng 6/2013), Ban tổ chức đã khai mạc triển lãm Bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” tại Thủ đô Hà Nội, với nội dung được mở rộng và chú giải đầy đủ hơn, có thêm cả phần chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Trung, nhằm cung cấp các nguồn tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách có hệ thống và chuẩn xác, góp phần nêu cao tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên trong sứ mệnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Khu vực trưng bày các Châu bản Triều Nguyễn

Phát biểu với báo chí tại cuộc triển lãm, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh, triển lãm mang ý nghĩa rất quan trọng là bằng chứng lịch sử và pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông. Các tư liệu cho thấy các nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, trải qua nhiều thập kỷ bị đô hộ, xâm lược, đến thời kỳ xã hội chủ nghĩa ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là một quá trình liên tục, lâu dài, diễn ra trong hòa bình, được ghi nhận trong nhiều nguồn sử liệu của Việt Nam và các nước, đặc biệt là những tư liệu, bản đồ được biên soạn, xuất bản từ thế kỷ XVI đến nay ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.

Triển lãm trưng bày gần 150 bản đồ và nhiều tư liệu, văn bản, hiện vật và ấn phẩm. Đây là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, học giả ở trong nước và quốc tế gồm các nhóm tư liệu chính: Phiên bản các văn bản Hán Nôm, văn bản Việt ngữ và Pháp ngữ do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX.


Khu vực trưng bày một số ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX liên quan đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

95 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay.

Ba cuốn Atlas (tập bản đồ chính thức) do các nhà nước Trung Quốc xuất bản gồm: Atlas Trung Quốc địa đồ (xuất bản bằng tiếng Anh năm 1908), Atlas Trung Hoa bưu chính dư đồ (do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc xuất bản tại Nam Kinh năm 1919 bằng 3 thứ tiếng Trung- Anh- Pháp) và Atlas Trung Hoa Bưu chính dư đồ do Tổng cục Bưu chính thuộc Bộ Giao thông của Trung Hoa Dân Quốc tái bản năm 1933, in bằng 3 thứ tiếng Trung- Anh- Pháp.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày một số tư liệu, văn bản, ấn phẩm của các nước phương Tây từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XIX, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa thời Pháp thuộc và thời chế độ cũ về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; Và một số hình ảnh, tư liệu về hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Hoàng Sa và Trường Sa trong thời gian gần đây.

Theo HNMO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn