Khoảng 1,7 triệu người bị tước đi cơ hội lao động vì dịch Covid-19
Cập nhật ngày: 07/07/2021 04:43:42
Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng rõ rệt do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19. Đây là số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong một điều tra chuyên sâu về lao động việc làm dưới tác động của đại dịch Covid-19.
TPHCM dự kiến hỗ trợ người bán vé số 1,5 triệu đồng/người trong những ngày TPHCM giãn cách xã hội. Ảnh minh họa: HOÀNG HÙNG
Ngày 6-7, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình lao động việc làm Quý II và 6 tháng đầu năm 2021.
Theo đó, trong quý II, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, dịch đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557.000 người bị mất việc, chiếm 4,4%; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%.
Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II-2021 là 49,9 triệu người, giảm 65.000 người so với quý trước và tăng gần 1,8 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II-2021 là 1,1 triệu người, tăng 173.500 người so với quý trước và giảm 137.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi cả quý II-2021 là 2,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,38 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn theo cơ quan thống kê quốc gia, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II-2021 là gần 1,2 triệu người, tăng 87.100 người so với quý trước và giảm 82.100 người so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II-2021 là 2,62%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,23 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi của khu vực thành thị là 3,36%, tăng 0,17 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,95 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Có thể thấy là lực lượng lao động thành thị bị ảnh hưởng mạnh và rõ rệt hơn so với lực lượng lao động nông thôn.
Lý giải thêm những băn khoăn được các phóng viên nêu ra về tỷ lệ có vẻ lạc quan hơn so với thực tế, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2020, trong khi số lao động việc làm vẫn tăng, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, các biện pháp phòng chống dịch lần này đã thay đổi theo hướng khoanh vùng cách ly và nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh.
“Nhưng con số gần 1,8 triệu người có việc làm tăng thêm so với cùng kỳ năm trước không phải là thành quả đáng vui mừng, mà do tăng trên một nền so sánh thấp. So với trạng thái cân bằng bình thường của nền kinh tế (thường tăng thêm khoảng 3,4 - 3,5 triệu việc làm mỗi năm) thì điều này có nghĩa là đã có khoảng 1,7 triệu người bị tước đi cơ hội lao động”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động nhấn mạnh.
Theo ANH PHƯƠNG (SGGPO)