Kiểm soát mặn, giữ ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật ngày: 23/08/2016 09:50:29
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa của cả nước, đang phải đối mặt những thách thức do hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đợt hạn, mặn vừa qua đã có 10 trong số 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Một số nơi, mặn xâm nhập sâu vào đất liền gần 80 km, tỷ lệ độ mặn ở nơi cao nhất lên tới 23%o (mức độ không thể sản xuất nông nghiệp), khiến sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề. Vụ sản xuất lúa đông xuân 2015- 2016, toàn vùng xuống giống hơn 1,5 triệu ha, nhưng năng suất chỉ đạt 66,4 tạ/ha, giảm gần 5 tạ/ha so niên vụ trước; ước tổng sản lượng giảm gần một triệu tấn.
Trước diễn biến phức tạp của hạn, mặn ở ĐBSCL, từ cuối năm 2015 tới nửa đầu năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương trong vùng đã kịp thời theo dõi, nắm bắt tình hình, tổng hợp các thiệt hại, phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cấp kinh phí hỗ trợ khắc phục cho các địa phương. Đồng thời, có những điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhằm hoàn thiện hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Theo dự báo, tình trạng hạn, mặn còn có những diễn biến phức tạp, nhất là đến năm 2030 có tới 45% diện tích vùng có thể nhiễm mặn, vì lưu lượng nước thượng nguồn đổ về bị giảm sút, không đủ để đẩy mặn và nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, khi đó sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa.
Để khắc phục tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương vùng ĐBSCL cần phối hợp chặt chẽ trong việc điều chỉnh, bổ sung các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, bảo đảm chủ động cấp nước, tiêu thoát nước, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn ổn định cho gần 1,8 triệu ha đất lúa, cùng hàng triệu ha hoa màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản...
Tranh thủ kinh nghiệm, nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế, nhà khoa học để nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn, tác động của phát triển kinh tế - xã hội khu vực hạ du tới hệ thống thủy lợi ĐBSCL. Từ đó đề xuất giải pháp tích hợp thiết bị, tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo mưa, lũ, mặn, hạn; đề xuất giải pháp phù hợp nhằm hoàn thiện hệ thống đê biển, đê bao ngăn mặn ven biển và dọc sông, cùng với hệ thống cống điều tiết nhằm ngăn mặn, giữ ngọt một cách hiệu quả. Đồng thời, chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, chuyển từ phương thức sản xuất khép kín sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi, liên kết phát triển kinh tế vùng, nhằm gia tăng giá trị và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích, khai thác tốt nhất ba thế mạnh của vùng là: sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, trồng và chế biến các loại rau, quả và thực phẩm đem lại hiệu quả cao.
Theo Nguyên Phúc Minh (NDĐT)