Kiểm soát tải trọng phương tiện:
Vẫn trông vào yếu tố con người

Cập nhật ngày: 30/10/2012 16:31:16

Xe chở quá tải là một trong những vấn đề gây bức xúc không chỉ trong dư luận mà ngay cả ngành giao thông, bởi vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, vừa gây hư hỏng đường sá. Để quản lý, kiểm soát xe quá tải, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1502/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể Trạm kiểm tra tải trọng xe (trạm cân) trên đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp quan trọng để xử lý xe quá tải.


Xe trọng tải lớn cần được kiểm tra để không làm ảnh hưởng
đến chất lượng cầu đường

Trạm cân, điều kiện cần

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống đường bộ nước ta rất đa dạng, được xây dựng qua nhiều thời kỳ, theo nhiều hệ thống tiêu chuẩn khác nhau với cấp kỹ thuật khác nhau. Nhiều tuyến đường được xây dựng từ lâu và chưa có điều kiện nâng cấp, mở rộng; kinh phí bảo trì, bảo dưỡng quá thiếu, mới chỉ đáp ứng được khoảng 50-60% nhu cầu hằng năm. Trong khi đó, tốc độ phát triển kinh tế-xã hội liên tục tăng trưởng cao những năm qua khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng mạnh, gây áp lực không nhỏ cho hệ thống hạ tầng đường bộ. Bên cạnh đó, tình trạng xe chở quá tải trọng đang diễn ra phổ biến trên nhiều tuyến giao thông ngày càng khiến hàng loạt tuyến đường, cây cầu nhanh chóng bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng.
Cũng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, nhiều công trình cầu được thiết kế để khai thác với tuổi thọ khoảng 100 năm, nhưng mới đưa vào khai thác 15-20 năm đã hư hỏng nặng, nguyên nhân chính do xe quá tải, điển hình như cầu Đại Tân (QL18) mặt cầu bị hư hỏng nặng, phải làm cầu tạm; cầu Hạc và cầu Bố (QL1) bị vỡ bê tông đầu dầm; cầu Đuống cũ (QL1 cũ); cầu Yên, cầu Vũng Trắm (QL1) mặt cầu bị thủng lớn; cầu Tà Pao (QL55) bị sập; cầu Khe Khoang (QL7) bị sập... Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý xe quá tải không đơn giản. Về cảm quan, lực lượng chức năng có thể nhận định xe quá tải hay không, nhưng do không có các trạm cân nên việc xử phạt gặp không ít khó khăn. Thực tế này cho thấy việc thiết lập lại các trạm cân (đã bị tạm dừng từ năm 2003) là điều kiện cần để kiểm soát tải trọng phương tiện.

Coi trọng nhân tố con người

Việc thiết lập trạm cân để kiểm soát tải trọng là cần thiết và được nhiều quốc gia tiên tiến thực hiện. Từ năm 1993, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 455/TTg về việc thành lập 27 trạm cân và đã ngăn chặn hiệu quả vi phạm về quy định tải trọng. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống 27 trạm cân, hoạt động từ năm 1993 đến năm 2003, đã giúp giảm tỷ lệ xe chở quá tải trên đường bộ từ 19,13% (năm 1995), xuống còn 0,17% năm 2003. Tuy nhiên, do những hạn chế về kỹ thuật, việc kiểm tra mất nhiều thời gian, trạm đặt ở một chiều đường gây xung đột, ùn tắc giao thông… nên các trạm cân đã gây tác động tiêu cực về giao thông. Ngoài ra, tại các trạm cân cũng nảy sinh không ít tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, nhân viên. Vì vậy, năm 2003, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam (nay là Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tạm dừng hoạt động các trạm cân để nghiên cứu hiện đại hóa thiết bị, đổi mới quy trình và kiện toàn bộ máy tổ chức trạm cân.

Tại Quyết định 1502/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, bảo vệ kết cấu hạ tầng là trách nhiệm của toàn xã hội. Do vậy, cần tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ và bảo vệ hạ tầng giao thông. Đây là quan điểm tiếp cận đúng đắn, toàn diện để ngăn chặn hữu hiệu tình trạng xe quá tải. Cho dù hệ thống trạm cân có hiện đại, chính xác đến mấy, nhưng con người và nhận thức xã hội còn hạn chế sẽ rất khó phát huy hiệu quả, thậm chí nảy sinh tiêu cực. Dự kiến, từ nay đến năm 2015 sẽ xây dựng 13 trạm, giai đoạn 2016-2020 xây 19 trạm, giai đoạn từ 2021 đến 2030 xây thêm 13 trạm nữa. Như vậy, trước mắt trên các tuyến QL vẫn còn rất thiếu các trạm cân. Bởi vậy, vai trò của con người, cụ thể ở đây là lực lượng chức năng, các doanh nghiệp vận tải càng trở nên quan trọng trong việc hạn chế, ngăn ngừa xe quá tải.

ĐH (Theo Nguyễn Tuấn-HNMO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn