Lạm phát đang tạo áp lực lớn lên việc điều hành chính sách tiền tệ
Cập nhật ngày: 09/06/2022 02:45:55
Chiều 8-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng bắt đầu trả lời chất vấn của các đại biểu (ĐB) Quốc hội. Điều hành lãi suất, tín dụng cho sản xuất kinh doanh, cho vay lĩnh vực bất động sản là những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: QUANG PHÚC
Về vấn đề lãi suất, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) cho biết, doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kêu ca về việc lãi suất tăng cao, khó tiếp cận và đề nghị Thống đốc NHNN cho biết giải pháp.
Cùng chia sẻ vấn đề này, ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang) nhắc việc Nghị quyết 43 đã yêu cầu giảm lãi suất 0,5-1% trong 2 năm. Đến nay đã gần nửa năm, việc thực hiện ra sao, giải pháp nào để thực hiện thành công.
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, điều hành giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân là việc trọng tâm của NHNN. Những năm qua, NHNN đã chỉ đạo hệ thống tổ chức tín dụng cắt giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Tuy nhiên, 5 tháng đầu năm, điều hành chính sách lãi suất chịu áp lực lớn từ bên ngoài: lạm phát tăng trên toàn cầu và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất (năm 2021 tăng trên 100 lượt, 5 tháng đầu năm tăng 135 lượt). Trong nước, lãi suất phụ thuộc cung - cầu vốn và trong 5 tháng, tín dụng tăng trên 8% - khá cao với mục tiêu định hướng năm 2022 là tăng trưởng tín dụng 14%. Áp lực lớn nhưng NHNN vẫn điều tiết, ổn định và mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,09% so với đầu năm 2021.
Về việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, Thống đốc NHNN nhìn nhận, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%, có nhiều điều kiện hạn chế về tài chính, khả năng quản trị, thương hiệu… nên nhiều doanh nghiệp khi vay vốn thì tổ chức tín dụng đánh giá tín nhiệm và đưa ra lãi suất cao hơn doanh nghiệp có độ tín nhiệm tốt hơn. Trong thời gian dịch bệnh, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. Trong 2 năm, tổng lãi suất giảm là khoảng 47.000 - 48.000 tỷ đồng.
Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, tổ chức tín dụng khi cho vay phải tuân thủ nguyên tắc có khả năng trả nợ mới cho vay vì tiền cho vay là tiền huy động của người dân. Để hỗ trợ, Nhà nước đã đưa ra các chính sách như ban hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chính phủ có các nghị định liên quan. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có quỹ bảo lãnh tín dụng. Hiện cả nước có khoảng 29 quỹ tín dụng quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. Trong thời gian tới sẽ tiến hành tổng kết hoạt động của quỹ, trên cơ sở đó, NHNN sẽ phối hợp với các ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi của ĐB Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) về dự báo rủi ro nợ xấu và lạm phát thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, lạm phát trên thế giới tăng cao đã tạo áp lực lên công tác điều hành trong nước. Trong 5 tháng đầu năm, lạm phát tăng 2,25% và chưa tính đến tác động của các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ. Tín dụng đã tăng khá cao. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành qua việc kết hợp các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, dựa trên diễn biến kinh tế vĩ mô và gói hỗ trợ kết hợp với chính sách tài khoá; đồng thời cần phải kiểm soát giá mặt hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, giáo dục vốn có tỷ trọng tương đối lớn trong rổ tính chỉ số hàng hóa.
Xung quanh vấn đề nợ xấu, theo Thống đốc, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm quy định cho vay và trích lập dự phòng để phòng khi nợ xấu phát sinh. Thời gian qua, doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng đã tái cơ cấu các khoản nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp được vay và yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng trong 3 năm, khi xảy ra có giải pháp xử lý nợ xấu.
Về tín dụng bất động sản, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt vấn đề siết chặt tín dụng có thể dẫn đến hệ lụy thị trường: người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị khó mua nhà giá rẻ. Chính sách của ngân hàng mục đích là chống đầu cơ nhưng chính sách tiền tệ cũng phải làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, giúp cho thị trường phát triển lành mạnh.
Còn ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) dự báo, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục biến động, giá lên cao, bong bóng giá nhà đất và hoạt động đầu cơ có liên quan đến tín dụng.
“Như vậy, cho vay lĩnh vực bất động sản mang đến nhiều rủi ro. Giải pháp gì để kiểm soát mạnh mẽ hơn cho vay trong lĩnh vực này?, ĐB Đỗ Thị Việt Hà đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tín dụng bất động sản, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương của NHNN là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn, hiệu quả; tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và kiểm soát vốn vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tín dụng bất động sản là sự quan tâm nhất của hoạt động ngân hàng bởi rủi ro lớn. Bản chất của tín dụng bất động sản thường giá trị lớn, kỳ hạn dài. Trong khi đó, tiền gửi của hệ thống ngân hàng lại là tiền gửi ngắn hạn. Chính vì vậy, NHNN có những quy định pháp luật để kiểm soát rủi ro. NHNN cũng đã có những quy định và chỉ đạo các tổ chức tín dụng là khi cho vay các khoản vay có tài sản đảm bảo thì phải thường xuyên đánh giá lại những tài sản đảm bảo để nhận diện những rủi ro của khoản vay đó.
Theo HÀ MY (SGGPO)