Liên kết nông dân với doanh nghiệp: Đừng hô hào khẩu hiệu nữa
Cập nhật ngày: 23/07/2016 06:17:51
Việc liên kết nông dân với doanh nghiệp không thể dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, những phong trào hay những đợt vận động nữa.
Sáng 22/7, chương trình “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam” lần thứ 6 đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh với sự tham dự của lãnh đạo hơn 100 doanh nghiệp, 150 chủ trang trại và nông dân sản xuất giỏi trên toàn quốc.
Chương này nhằm tôn vinh các đơn vị, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển nông nghiệp trong hơn 1 năm qua. Theo đánh giá của các đại biểu tham gia chương trình lần này, sau gần 3 năm thực hiện Quyết định số 62/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, việc liên kết giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Một số tỉnh, thành phố được xem là “điểm sáng” của sự liên kết như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng chỉ có một bộ phận nhỏ người nông dân được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu nông sản cho biết, khó khăn nhất trong việc liên kết với nông dân hiện nay là thói quen sản xuất theo kiểu truyền thống, mang nặng tính tự phát và nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, do trình độ hạn chế nên nông dân không mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Trong khi đó, hoạt động của hội nông dân các cấp chưa mang lại hiệu quả thiết thực, chủ yếu vẫn là hoạt động phong trào, hình thức. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Người nông dân muốn vay được tiền từ các nguồn vốn vay ưu đãi thì phải có phương án sản xuất, tài sản thế chấp và phương án đầu ra. Việc phải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục khiến bà con không mặn mà với những chính sách vay vốn ưu đãi.
Do vậy, các đại biểu cho rằng, muốn liên kết hiệu quả, cần phát huy hơn nữa vai trò của tín dụng trong hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kiên Cường cho biết: “Chính quyền địa phương nói chung, hội nông dân nói riêng phải tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối để người nông dân liên kết với doanh nghiệp một cách hiệu quả quả hơn. Chúng ta không thể dừng lại ở việc hô hào khẩu hiệu, những phong trào hay những đợt vận động nữa. Mỗi người, mỗi cơ quan làm nhiệm vụ này phải coi mình là người trong cuộc và xác định mình có trách nhiệm trong đó”.
D.Út (Thành Trung/VOV)