Miền Tây có nguy cơ biến mất vì không còn lũ

Cập nhật ngày: 17/08/2016 14:06:49

Không còn được lũ mang dòng phù sa bồi đắp hàng năm, miền Tây - vựa lúa, thủy sản, trái cây lớn của cả nước - đang đối mặt việc bị lún sâu, sạt lở và có thể biến mất trong hàng trăm năm tới.


Hiện lượng phù sa từ sông Mekong đổ về miền Tây hàng năm đã sụt giảm 50% . Ảnh: Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long có gần 20 triệu dân. Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, vùng đất này chiếm 55,5% sản lượng lúa, 70% trái cây, 69% thủy sản của cả nước. Tuy nhiên, miền Tây đang mất dần vai trò dẫn đầu về nông nghiệp, an ninh lương thực bị đe dọa khi lũ đổ về ngày càng ít.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) cho rằng, miền Tây hình thành nhờ lũ và nó cũng chính là phần quan trọng của hệ sinh thái ở vùng đất này. Khoảng 4.000 - 6.000 năm trước lũ đem phù sa, chất dinh dưỡng… bồi đắp dần theo thời gian mà miền Tây thành vựa lúa, tôm cá, trái cây trù phú. Mất lũ, đồng bằng này không hiện hữu. 

"Lũ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, tồn tại của miền Tây. Hay nói một cách khoa học, nó tham gia kiến tạo vùng đất này", tiến sĩ Tuấn nói và cho rằng, theo quy luật, không có phù sa bồi đắp nữa, đa dạng sinh học sẽ ảnh hưởng nặng nề; nguồn lợi tôm cá sụt giảm mạnh. Đặc biệt, đồng bằng sẽ bị lún sụp, sạt lở và tan rã dần, dẫn đến xóa sổ có thể trong vài trăm năm, nhanh hơn quá trình hình thành.

Tiến sĩ Tuấn dẫn chứng, trước đây, mũi Cà Mau mỗi năm đều lấn ra biển nhiều mét do nhờ lượng bùn, cát, sỏi từ thượng nguồn sông Mekong đổ về bồi đắp. Nhưng giờ thì ngược lại vì lũ ít rồi. Bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào Cà Mau khoảng 15 m, có nơi đến 50 m; hàng trăm hecta rừng phòng hộ bị cuốn ra biển...

Ông Tuấn cho rằng trước đây mình còn khai thác cát bán cho Singapore xây dựng đảo nhân tạo vì còn thượng nguồn đưa về bù đắp lại nhưng giờ hết rồi. Hiện, các địa phương đang gánh hậu quả sạt lở; sông Tiền, sông Hậu mỗi năm sâu hơn vì nước đói (thiếu phù sa) nên nó phải ăn hai bên bờ và dưới đáy. 

"Việc lún gần như không thể khắc phục được, chỉ tìm cách làm chậm lại quá trình mà thôi", tiến sĩ Tuấn nói và cho rằng, trước mắt phải giảm bớt khai thác cát trên các sông rạch, không làm bừa bãi nữa. Cần nhiều biện pháp chống sạt lở công trình và phi công trình. Mặt khác, đấu tranh với các nước thượng nguồn để hạn chế xây dựng các đập thủy điện...

Theo tính toán của Ủy ban sông Mekong, bình quân mỗi năm, dòng sông này chuyển tải về miền Tây 160 triệu tấn phù sa, chủ yếu là những tháng mùa lũ. Hiện nay, các đập thủy điện vùng đầu nguồn giữ lại xấp xỉ 50%. Nguy cơ, khi 11 đập thủy điện trên sông Mekong ở Lào và Campuchia hoàn thiện, đi vào hoạt động, sẽ giữ lại 90% lượng phù sa rót về miền Tây.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối (nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long), miền Tây đang bị thiệt hại kép, khi đợt thiên tai hạn mặn lịch sử vừa đi qua thì lại đối mặt với tình trạng lũ không về.


Lũ không còn, sự bền vững của vựa lúa miền Tây cũng bị đe dọa. Ảnh: Cửu Long

"Nước về nhiều tuy gây ngập lụt nhưng có tác dụng rất lớn trong việc tháo chua, rửa phèn, tiêu diệt mầm bệnh, vệ sinh đồng ruộng; đặc biệt là bồi đắp phù sa. Năm nào lũ cao, chắc chắn mùa vụ Đông Xuân của nông dân miền Tây trúng đậm", tiến sĩ Bảnh khẳng định.

Theo tiến sĩ Bảnh, việc nước về ít và trễ, cơ cấu mùa vụ sẽ đảo lộn; chuột bọ, côn trùng gây hại sinh đẻ nhiều và phá hoại mùa màng nặng nề hơn; chi phí sản xuất tăng cao; năng suất chất lượng sụt giảm. Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên không phát huy được vai trò là túi trữ nước điều tiết cho miền Tây, sử dụng phục vụ sản xuất tưới tiêu và góp phần đẩy nước mặn lùi xa.

Còn tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam khuyến cáo, để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi không có còn phù sa, nông dân trồng cây ăn quả cần chú trọng thay đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. Nhất thiết phải hạn chế việc bón phân vô cơ quá nhiều làm cho đất bị chay, thiếu vi sinh, thiếu oxy. Thay vào đó, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thường xuyên cày xới đất, áp dụng quy trình sản xuất sạch…

Theo Cửu Long (VNE)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn