Mở đợt tấn công thuốc lá lậu dịp Tết Nguyên đán
Cập nhật ngày: 24/12/2015 04:27:32
Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá, tổ chức tại TPHCM chiều 23/12.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu mở đợt tấn công thuốc lá lậu dịp Tết Nguyên đán 2016. Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) biểu dương và đánh giá cao những kết quả tích cực mà các ngành, các cấp đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 30.
Theo Phó Thủ tướng, qua việc ban hành Chỉ thị 30, chúng ta đã từng bước thay đổi tư tưởng, nhận thức trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, ban hành nhiều văn bản về lĩnh vực này.
Các địa phương trọng điểm đều có kế hoạch và chỉ đạo cụ thể trong triển khai Chỉ thị 30, đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong nhân dân, các cấp, các ngành, nhất là vai trò của cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chủ công như công an, hải quan, quản lý thị trường, biên phòng, cảnh sát biển...
Điều này đã tạo niềm tin trong nhân dân trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, góp phần tăng thu ngân sách, thúc đẩy sản xuất trong nước...
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yếu kém, bất cập cần khắc phục. Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, chưa quan tâm đúng thực trạng hiện nay của tình trạng buôn lậu thuốc lá. Cá biệt, có tình trạng một số ít cán bộ bảo kê, bao che, dung túng cho nạn buôn lậu thuốc lá.
Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng đưa ra những giải pháp trong thời gian tới. Đó là tiếp tục ngăn chặn có hiệu quả buôn lậu thuốc lá với tinh thần chủ động, quyết liệt, trách nhiệm của người đứng đầu các lực lượng chuyên trách và địa phương đối với công cuộc chống buôn lậu thuốc lá.
Cán bộ các địa phương cần tăng cường phối hợp để thực hiện Chỉ thị 30 như chia sẻ, phối hợp giữa các lực lượng chức năng; làm rõ trách nhiệm của từng lực lượng chuyên trách như công an, hải quan, biên phòng, quản lý thị trường, cảnh sát biển khi để xảy ra tình trạng buôn lậu thuốc lá lậu.
Mở đợt cao điểm tấn công vào tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay và sớm điều tra, xét xử một số vụ án lớn; xử lý nghiêm khắc một số đầu nậu tại khu vực biên giới hay các thành phố lớn như TPHCM, Long An, Tây Ninh, An Giang.
Ngành thuốc lá trong nước cần tăng chất lượng, giảm giá thành để cạnh tranh với thuốc ngoại nhập; thực hiện nghiêm việc tiêu hủy thuốc lá lậu.
Bộ Tài chính nghiên cứu cơ chế tăng mức hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng chức năng làm công tác này; truyền thông mạnh mẽ về tác hại của thuốc lá; nâng cao đời sống cho nhân dân vùng biên giới còn khó khăn để nhân dân không bị lôi kéo đi khuân vác thuê thuốc lá...
Báo cáo của BCĐ 389 quốc gia do Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trình bày cho biết: Trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn ra phức tạp trên địa bàn cả nước.
Hoạt động buôn lậu thuốc lá đã hình thành các đường dây, ổ nhóm có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công giữa các chủ đầu nậu trong nội địa và ngoài biên giới. Phương thức, thủ đoạn hoạt động vẫn là lợi dụng địa hình biên giới có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt thuận lợi cho việc đi lại, lôi kéo nhân dân khu vực biên giới vận chuyển hàng lậu.
Trong địa bàn nội địa, nhất là các thành phố lớn, các tỉnh Tây Nam Bộ, thuốc lá lậu được bày bán công khai tại các đại lý, nhà hàng, quán nước, điểm bán thuốc lá ven đường.
Ảnh: VGP/Lê Sơn.
Sau khi có Chỉ thị 30, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các lực lượng chức năng, nhất là quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa nên tình trạng bày bán thuốc lá lậu ở nhiều địa phương không còn công khai so với trước đây.
Ở biên giới, cửa khẩu, các hoạt động buôn lậu thuốc lá không còn rầm rộ như trước đây. Tuy nhiên, các đối tượng buôn lậu, vận chuyển thuốc lá lậu lại manh động và liều lĩnh hơn, sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện...
Qua một năm thực hiện Chỉ thị, tình hình buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu giảm về quy mô, số lượng, đối tượng tham gia. Số thuốc lá lậu bắt giữ tăng 19% so với cùng kỳ, số vụ khởi tố tăng.
Tính đến 1/10/2015, các lực lượng chức năng trong cả nước đã bắt giữ 9.682 vụ buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu, trên 6.000 đối tượng vi phạm, tịch thu hơn 10 triệu bao thuốc lá lậu các loại, khởi tố 179 vụ án với 263 đối tượng, phạt tiền nộp ngân sách hơn 21 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường, sau một năm thực hiện Chỉ thị 30, sản lượng sản xuất và tiêu thụ nội địa của các doanh nghiệp thuốc lá trong nước từng bước tăng trưởng, nộp ngân sách Nhà nước năm 2015 tăng trở lại với khoảng 17.911 tỷ đồng, tăng gần 1.400 tỷ đồng so với năm 2014.
Để ngăn chặn buôn lậu thuốc lá, đại diện Tổng cục Hải quan cho rằng, cần triệt phá cho được đường dây, ổ nhóm lớn trong chống buôn lậu thuốc lá với sự chủ công của lực lượng công an và sự phối hợp chặt chẽ của các lực lượng khác như hải quan, quản lý thị trường. Có như vậy mới giải quyết được phần gốc của tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay.
Tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép thuốc lá nhập lậu đã gây thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng/năm, làm mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm, mất việc làm của hơn 1 triệu nông dân, công nhân ngành thuốc lá trong nước.
Theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá, trong thuốc lá nhập lậu có một số độc tố bị cấm sử dụng, mà thuốc lá trong nước không có như chất couramin dùng trong thuốc diệt chuột; hàm lượng tar, nicotine của thuốc lá nhập lậu vượt rất nhiều so với mức cho phép.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước tiêu thụ thuốc lá hàng đầu trong số 14 quốc gia tại châu Á do tổ chức Oxford Economics điều tra.
Lê Sơn (Chinhphu.vn)