Nạn đói năm 1945 và sự thật lịch sử (Tiếp theo và hết) (*)
Cập nhật ngày: 30/12/2016 11:22:33
Kỳ 2: Từ khi có mặt ở Đông Dương, ngoài các chính sách tô thuế, Nhật còn đưa ra “chương trình kinh tế chỉ huy” để thực hiện một cách triệt để chủ trương phát-xít của họ. Ngày 6-5-1941, Nhật buộc Pháp ký một Hiệp ước kinh tế yêu cầu hằng năm Pháp phải cung cấp lương thực ở Đông Dương cho Nhật.
Theo tài liệu của Viện Sử học thì: năm 1941 là 700.000 tấn gạo; năm 1942 là 1.050.000 tấn gạo và 45 tấn bột gạo; năm 1943 là 1.125.904 tấn; năm 1944, mặc dù mất mùa song vẫn phải cung cấp cho Nhật 900.000 tấn. Ngoài ra, Nhật còn cho Pháp xuất khẩu gạo sang các nhượng địa của Pháp ở Trung Quốc. Tham luận của bác sĩ Ngô Văn Quỹ cho biết, ngay trong năm 1945, tức lúc nạn đói lên đến đỉnh điểm, vậy mà theo các tài liệu chính thức của Pháp - Đông Dương đã thu hoạch được 2.700.000 tấn thóc, ước tính nhu cầu của nhân dân chỉ là 1.600.000 tấn; vẫn còn dư ra 1.100.000 tấn. Và ông khẳng định “Thừa thóc, thừa gạo mà để dân chết đói đến 2 triệu người, trước lịch sử, đây quả là một tội ác “trời không dung, đất không tha” (Nỗi đau lịch sử: nạn đói 1945, Sđd, tr.26).
Rất nhiều tài liệu nghiên cứu đều chỉ ra “đích danh thủ phạm” là phát-xít Nhật và đồng phạm là thực dân Pháp. Giáo sư Văn Tạo cũng cho biết: “Trong cuộc trao đổi với tôi ở Tokyo, ông Yuuji đã có lý khi nói: Nhật - Pháp tuy thống nhất với nhau vơ vét thóc gạo nhân dân Việt Nam, nhưng chúng vẫn chuẩn bị diệt nhau. Việc Pháp thu thóc để cung cấp cho Nhật là có, nhưng không phải không lợi dụng lấy thóc đó để dự trữ chống Nhật” (Văn Tạo - Furuta Motoo, Sđd, tr.693). Và Giáo sư kết luận: “Thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp ở Việt Nam năm 1945 là Nhật - Pháp, mà Nhật là kẻ chịu trách nhiệm chính” (Văn Tạo - Furuta Motoo, Sđd, tr.699).
Tác giả Yoshizawa Minami (Y-ô-si-da-oa Mi-na-mi) cũng cho biết “ông Kawai, đảm nhiệm công việc giám sát chuyển gạo từ nam ra bắc qua tỉnh Nam Định, đồng thời là quản lý chung về gạo dự trữ, phân phối trong tỉnh, nói có những nơi vẫn còn gạo chất như núi trong kho quân đội. Không những thế, tại một nhà thờ Thiên chúa giáo trong tỉnh gạo đầy ắp trong kho. Ông đã thuyết phục cán bộ đại sứ quán Nhật Bản mở kho phát gạo nhưng họ không nghe” (Nỗi đau lịch sử: nạn đói 1945, Sđd, tr.56). Còn nghiên cứu của Giáo sư Văn Tạo cho rằng, Thống sứ Bắc Kỳ chủ ý gây ra nạn đói này cho Việt Nam để thực hiện mục đích kép là chính trị và kinh tế. Mục đích chính trị là “hãm bớt nhiệt tình yêu nước” của nhân dân Việt Nam. Mục đích kinh tế là để một vài công ty của Pháp, Nhật mua gạo giá rẻ và bán giá cắt cổ cũng như để dễ dàng tuyển mộ cu-ly cho các đồn điền, hầm mỏ.
Vậy ai đã cứu giúp nhân dân Việt Nam ra khỏi thảm cảnh này? Xin thưa, không phải Pháp, chẳng phải Nhật, cũng chẳng phải triều đình nhà Nguyễn hay Chính phủ Trần Trọng Kim đầu năm 1945 mà là Việt Minh.
Ngày 2-9-1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam DCCH ra mắt quốc dân đồng bào. Một ngày sau đó, ngày 3-9-1945, Chính phủ họp phiên đầu tiên. Một trong những nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là cứu đói để vực dậy một dân tộc đã và đang trải qua nạn đói kinh hoàng. Trong phiên họp đầu tiên này, Chính phủ thống nhất với đề xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sáu nội dung cấp bách phải thực hiện, trong đó nội dung đầu tiên chính là cứu đói.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề. Một là, nhân dân đang đói. Ngoài những kho thóc của Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng (…). Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo (…). Chúng ta phải làm thế nào để cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”. (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, tr.7-8). Một trong những việc làm đặc biệt ý nghĩa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam DCCH là tổ chức lạc quyên cứu đói để kịp thời dập tắt nạn đói. Với quan điểm “chống đói cũng như chống ngoại xâm”, ngày 28-9-1945, Báo Cứu quốc đăng thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào cả nước kêu gọi mọi người nêu cao tinh thần “nhường cơm, sẻ áo” cứu giúp đồng bào: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” (Hồ Chí Minh, toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia, H.1995, tr.31).
Trong cuộc vận động này, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người gương mẫu thực hiện đầu tiên và triệt để, theo đó, nếu những buổi dùng cơm với khách trùng vào ngày nhịn ăn, Người tự động nhịn bù vào ngày hôm sau. Tại buổi khai mạc lễ phát động phong trào cứu đói được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem phần gạo nhịn ăn của mình đóng góp trước tiên. Tiếp đó, Chính phủ lâm thời Việt Nam DCCH còn áp dụng ngay một số biện pháp cụ thể như cho phép vận chuyển thóc gạo; nghiêm trị những kẻ đầu cơ, tích trữ thóc gạo; cấm dùng gạo vào các công việc chưa thật sự cần thiết như nấu rượu, làm bánh; cấm xuất khẩu gạo, ngô, đậu; cử một ủy ban lo việc vận chuyển gạo từ miền nam ra miền bắc (công việc này bị đình trệ sau đó vì thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ).
Ngày 2-11-1945, Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội Nguyễn Văn Tố - một nhân sĩ nổi tiếng - quyết định thành lập Hội Cứu đói. Hội Cứu đói được tổ chức xuống tận các làng. Ngày 28-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh thiết lập Ủy ban tối cao tiếp tế và cứu tế. Ngoài Bộ Cứu tế, một số bộ khác cũng có nhiệm vụ cứu tế và tiếp tế. Hưởng ứng lời kêu gọi tha thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào thi đua cứu đói đã diễn ra rộng khắp trên cả nước với rất nhiều sáng kiến, cách làm sáng tạo như tổ chức “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, “Đoàn quân tiễu trừ giặc đói”. Từ đó hàng vạn tấn gạo đã được nhân dân cả nước đóng góp, chia sẻ với đồng bào đang chịu thảm họa của nạn đói, góp phần cứu giúp kịp thời.
Cùng với quá trình khẩn cấp cứu đói, để bảo đảm giải quyết căn cơ và triệt để nạn đói, Chính phủ phát động toàn dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm với lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay. Đó là cách thiết thực của chúng ta để giữ vững quyền tự do, độc lập”. Trong tháng 10 và 11 năm 1945, Chính phủ ban hành nghị định giảm 20% thuế ruộng đất, miễn thuế hoàn toàn cho những vùng lụt. Bộ Quốc dân Kinh tế ra thông tri quy định việc kê khai số ruộng đất vắng chủ, số ruộng công và ruộng tư không làm hết, tạm cấp cho nông dân không có ruộng hoặc thiếu ruộng.
Ngày 19-11-1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ lúc này như việc ra báo để hướng dẫn nhân dân sản xuất, cho nhân dân vay thóc, vay tiền để sản xuất, cử cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, gia cầm, chi ngân sách sửa chữa các quãng đê bị vỡ, củng cố hệ thống đê điều, đắp thêm một số đê mới. Phong trào tăng gia, sản xuất diễn ra sôi nổi trong khắp cả nước kể từ Chủ tịch, Chính phủ đến mọi cán bộ cao cấp của Đảng ngoài giờ làm việc chính thức đều tham gia. Với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, phong trào tăng gia sản xuất đã thu được kết quả to lớn. Sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được khôi phục, nạn đói được đẩy lùi, đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân dần ổn định.
Chỉ trong năm tháng từ tháng 11 năm 1945 đến tháng 5 năm 1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là màu, đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945. Đến hết năm 1946, nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Đó cũng là điều mà ngày 2-9-1946, tại lễ kỷ niệm một năm độc lập - Quốc khánh 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp - khi ấy là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ liên hiệp, tuyên bố: “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Trong tác phẩm Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, nhà sử học Lê Thành Khôi viết về các chính sách và việc đã làm của Chính phủ mới để khắc phục nạn đói như sau: “Một nạn đói mới đang là mối đe dọa cận kề nhất… Nhà nước tung ra một chiến dịch toàn quốc với khẩu hiệu “Tăng gia sản xuất” và “Không để hoang một tấc đất, một cánh tay nhàn rỗi”. Một nghị định được ban hành sẽ trao đất hoang cho tất cả những ai có thể khai thác. Nỗ lực của mọi người và sự thi đua yêu nước đã dựng lại các con đê, tăng gia sản xuất các hoa màu phụ: khoai lang, ngô, sắn, đậu nành; vụ gặt tháng 5 đảm bảo lương thực cho thời gian giáp hạt” (Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX, NXB Thế giới, H.2014, tr.564).
Trong hồi ký của mình, cụ Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục và Tư pháp của nước Việt Nam DCCH đã đưa vào phần phụ lục nội dung bài viết của Hoàng Văn Đức, Giám đốc Nha Nông chính Bắc Kỳ với tựa đề “Hai thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Theo Hoàng Văn Đức, hai thắng lợi đó là Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 và chiến dịch chống nạn đói cuối năm 1945 đầu năm 1946 với dòng thật xúc động: “Những người đó đã chiến thắng trên đồng ruộng. Động lực giải phóng của Mặt trận Việt Minh, dân tộc Việt Nam nắm vững chủ quyền của mình. Cách mạng đã thắng nạn đói” (Vũ Đình Hòe, Hồi ký, NXB Hội Nhà văn, H.2004, tr.1052)…
Dù thủ phạm gây nên thảm cảnh này cho dân tộc Việt Nam 70 năm trước đã quá rõ ràng, nhưng với tinh thần hòa hiếu và yêu chuộng hòa bình, nhân dân Việt Nam nhất quán chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Nhưng chúng ta khẳng định “gác lại quá khứ” không có nghĩa là lãng quên lịch sử, càng không thể đồng tình mà phải vạch mặt những kẻ lợi dụng lịch sử để xuyên tạc, bịa đặt nhằm vu khống Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.
(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 27-12-2016.
HỒNG PHÚC/NDĐT