Nước thượng nguồn có thoả được cơn “khát” của ĐBSCL?
Cập nhật ngày: 25/04/2016 07:02:07
Kỳ vọng vào nguồn nước xả từ các đập thủy điện ở thượng nguồn đang trở thành nỗi thất vọng của bà con vùng ĐBSCL.
Thực tế cho thấy, lưu lượng nước về ít ỏi không đủ cải thiện được tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn đang xảy ra trên diện rộng.
Những ngày qua, thông tin nước từ thượng nguồn xuôi về hạ du khiến người dân phấn khởi. Tuy nhiên, sự trồi sụt nhanh chóng của con nước đồng nghĩa với việc hạ lưu vẫn tiếp tục “khát” nước ngọt.
Mực nước hiện nay đang xuống thấp, gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.
Kỳ vọng vào nguồn nước xả từ đập thủy điện ở thượng nguồn bao nhiêu thì nay anh Trần Văn Tùng ở vùng đầu nguồn tỉnh Đồng Tháp lại thất vọng bấy nhiêu do không thể sản xuất nông nghiệp: “Nghe tin Trung Quốc xả đập thì tui có nghe. Nhưng mấy hôm nay, nước đang kém hay là do nước thiếu nên thấy nước kém lắm”.
Số liệu quan trắc tại các trạm thủy văn trên dòng Mekong đổ về Việt Nam như Neak Luong (Campuchia), Tân Châu, Châu Đốc... cho thấy, mực nước bắt đầu giảm dần từ năm 2000, trùng khớp với thời điểm bắt đầu xây dựng hồ đập trên thượng nguồn.
Trong thời điểm khốc liệt của hạn, mặn, hiện nay, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái vùng ĐBSCL đã theo dõi rất sát việc xả nước từ đập Cảnh Hồng từ 28/3 đến 4/4. Kết quả cho thấy, lượng nước ở trạm Chiang Saen (Thái Lan) không tăng. Như vậy, việc xả nước từ đập Cảnh Hồng chỉ đủ duy trì nước ở khu vực biên giới Trung Quốc – Lào.
Những tuần tiếp theo, mực nước cũng tương tự. Tuy một số thời điểm, nước ở khu vực đầu nguồn Tân Châu có dấu hiệu tăng nhưng đó là do triều cường: “Phía trên ta, trạm Neak Luong (Campuchia) trong trường hợp nước lên có 6cm mà phía dưới ta dao động tới 18cm rõ ràng sự dao động này là do triều từ biển đông. Trong mùa khô, triều từ biển đông vào ảnh hưởng lên tận Phom penh. Neak Luong nằm ở giữa thì có thể là do triều từ Biển Đông”.
Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, chiều dài ngoằn ngoèo để nước ngọt từ đập Cảnh Hồng - Trung Quốc về đến vùng ven biển ĐBSCL là hơn 3.000 km. Trên con đường đổ về hạ nguồn, nguồn nước này còn phải lấp bù các dòng nhánh và vùng trũng đang khô hạn ở một số quốc gia khác.
Vì thế, khi về tới vùng cuối nguồn là không đáng kể; không giúp chống hạn và xâm nhập mặn: “Lấy số liệu dòng chảy đo được ở các trạm từ đập Cảnh Hồng xuống tới vùng ĐBSCL thì thấy lượng nước trên kia đưa ra là hơn 3.000 m3/s. Khi về tới đây còn dưới 1.000m3/s. Tức là đã mất ở dọc đường rồi. Mình không nhờ gì được nhiều. Nói nước mặn lùi ra nhưng cuối cùng cũng đâu được bao nhiêu”.
Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mekong (MRC) cho rằng, các nước thành viên của MRC bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Myanmar cần hợp tác để sử dụng nước sông Mekong hiệu quả nhất, đảm bảo cho sự phát triển bền vững: “Việc tốt nhất là tất cả 6 quốc gia cùng hợp tác với nhau trong khuôn khổ như khuôn khổ của Hiệp định sông Mekong 1995 hoặc là hợp tác giữa Lan Thương và Mekong vừa rồi của 6 nước đưa ra. Nếu như tiến hành được những hợp tác đó thì sẽ giúp ích hơn cho việc sử dụng nước một cách hiệu quả của toàn bộ sông Mekong”.
Theo Thanh Tùng/VOV