Sản xuất lạc hậu “đè” hạt gạo

Cập nhật ngày: 23/03/2015 08:15:08

Theo Cục Trồng trọt, giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân 2015 ở ĐBSCL là 3.417 đồng/kg, cao hơn năm trước 192 đồng/kg. Giá thành sản xuất lúa hiện là mối quan tâm hàng đầu trong sản xuất và tiêu thụ.


Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa. Ảnh: H.Trọng

Lãng phí 600 triệu USD

Vấn đề bức xúc hiện nay là tình trạng lãng phí trong sản xuất rất lớn do nhiều nguyên nhân khác nhau. “Tổn thất sau thu hoạch lúa ở ĐBSCL hiện nay khoảng 13,7%, tính ra sản lượng trên 20 triệu tấn, hàng năm ĐBSCL mất khoảng 600 triệu USD” - đây là số liệu do các chuyên gia lúa gạo đưa ra. Đáng chú ý, trong 6 công đoạn bị thất thoát, khâu làm sạch, phơi sấy chịu tổn thất cao nhất 4,2%, kế đến là xay xát 3% và bảo quản 2,6%. Dù đã có những bước tiến đáng kể trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch, song theo nhận định của các chuyên gia, đến nay các công đoạn để giảm bớt tình trạng tổn thất vẫn còn yếu và chưa đồng bộ so với nhiều nước. 

Một vấn đề khác, cũng là yêu cầu bức xúc hiện nay là doanh nghiệp xay xát - kinh doanh lúa gạo phải có mấy sấy, kho bảo quản và công nghệ phù hợp. Trong đó, nhà nước cần hỗ trợ vốn hoặc lãi suất để đầu tư các thiết bị máy móc sau thu hoạch. Tương tự, với khoảng 4 triệu ha đất sản xuất/năm, các nhà khoa học khuyến cáo chỉ sử dụng khoảng 1,1 triệu tấn phân bón. Song, nông dân ĐBSCL lại lạm dụng đến 1,7 triệu tấn. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự trên lượng lúa gieo sạ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). “Tập quán gieo sạ giống quá dầy, tiềm ẩn tai họa rất gần. Trong khi đó, một bộ phận nông dân lại lạm dụng phun thuốc dạng kích thích, kéo theo nước tồn trong hạt gạo, dẫn tới độ ẩm 32%; đây là những vấn đề gây lãng phí trong chuỗi giá trị hạt gạo” - tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt nhận định.

“Một nông dân Israel sản xuất nông nghiệp đã nuôi sống hơn 100 người” - đây là một hình ảnh đáng để các chuyên gia nông nghiệp, nông dân ĐBSCL suy nghĩ. Theo ông Matan Nemenoff, Tổng Giám đốc Tập đoàn LR ORCA Đông Nam Á, Israel có diện tích rất nhỏ, chỉ bằng một tỉnh của Việt Nam và 60% diện tích như hoang mạc hoặc thiếu nước, nhưng Israel là một trong những nước có sản lượng nông sản, lương thực cao nhất thế giới. Theo ông Matan, nếu không có chiến lược phát triển sau thu hoạch thì tất cả sản phẩm của nông dân sẽ bị lãng phí. Và với chiến lược này, các sản phẩm nông nghiệp của Israel xuất khẩu toàn cầu vẫn giữ nguyên vị, mùi, màu nên rất được ưa chuộng.

Đa dạng sinh học

“Sản xuất lúa trong tương lai, cần giúp nông dân được hưởng lợi một cách công bằng từ ngành sản xuất lúa gạo năng động, sáng tạo, chuyển đổi với năng suất, hiệu quả và tính bền vững môi trường cao hơn. Cần tăng cường chuỗi giá trị gạo bằng cách cải tiến chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; nâng cao khả năng thích ứng của trồng lúa với biến đổi khí hậu và cải thiện năng lực ứng phó với rủi ro của người nông dân” - tiến sĩ Jong-Ha Bae, đại diện tổ chức Nông lương thế giới (FAO) tại Việt Nam chỉ ra.

“Lúa là cây trồng ĐBSCL rất có lợi thế. Chính vì thế, việc chúng ta cần làm là phát triển hệ thống cây lúa như thế nào cho hiệu quả. Giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra và hoạt động tiếp thị thương mại phải mạnh lên. Ngoài ra, những cây trồng khác thay thế cây lúa trên diện tích nhất định phải nhanh chóng xây dựng hệ thống đồng ruộng hợp lý; giống, kỹ thuật gắn với cơ giới hóa đồng bộ; đặc biệt là vấn đề thị trường để quá trình chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khác hiệu quả nhất” - tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT, khuyến nghị. 

Tiến sĩ Samarendu Mohanty - Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) cho rằng: “Chiến lược truyền thông đa phương diện tại Việt Nam cần thúc đẩy cộng đồng nông thôn bảo tồn đa dạng sinh học, giảm sử dụng thuốc BVTV và tăng lợi nhuận”. Việc giảm giá thành cùng với việc nâng chất lượng lúa, gạo sẽ tăng tính cạnh tranh, tạo nhiều cơ hội tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trước mắt, ĐBSCL cần tập trung cho việc giảm khối lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm dư thừa và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết. 

“Trong thực hiện cánh đồng lớn hoặc vùng nguyên liệu thì tiêu chí giảm giá thành phải được đặt lên hàng đầu. Cần xây dựng chi tiết các giải pháp sản xuất lúa. Theo đó, tập trung vào năng suất, sản lượng, dần có chiến lược cạnh tranh giá thành, cạnh tranh trong từng cánh đồng, từng khu vực… Đây được xem là giải pháp để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” - tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt khuyến nghị.

CAO PHONG/SGGP

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn