Sắp đào tạo, cấp bằng lái ô tô số tự động

Cập nhật ngày: 29/07/2015 06:36:42

Lần đầu tiên tại Việt Nam, việc thi và cấp bằng lái ô tô số tự động được đưa vào dự thảo quy định mới về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, dự kiến sẽ bắt đầu triển khai từ đầu năm 2016 tới.

Giảm 12 ngày so với học xe số sàn

Cụ thể, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang hoàn thiện dự thảo Thông tư mới thay thế Thông tư số 46/2012/TT-BGTVT ngày 07/11/2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ và các Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư này. Thông tư mới dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 tới. 


Việc đào tạo, cấp bằng lái xe số tự động trở nên cấp thiết

Theo dự thảo, giấy phép lái xe hạng B1 số tự động cấp cho người không hành nghề lái xe để điều khiển ô tô số tự động chở người đến 9 chỗ ngồi, kể cả chỗ ngồi cho người lái xe; ô tô tải, kể cả ô tô tải chuyên dùng số tự động có trọng tải thiết kế dưới 3500 kg. Người có giấy phép lái xe số tự động hạng B1 không được lái loại xe ô tô số bán tự động, số cơ khí (số sàn).

Cũng theo dự thảo, thời gian đào tạo lái xe hạng B1, học xe số tự động sẽ giảm đáng kể so với số sàn, tương ứng là 476 và 556 giờ. Cả hai loại này đều có thời gian học lý thuyết 136 giờ nhưng thời gian thực hành lái xe số tự động chỉ là 340 giờ/ 1 xe tập lái, so với 420 giờ của số sàn.

Theo quy định, bình quân mỗi xe tập lái xe số tự động có 5 học viên như xe số sàn, thời gian thực hành của mỗi học viên vì thế rút ngắn từ 84 giờ khi học xe số sàn xuống 68 giờ với xe số tự động. Quãng đường thực hành lái xe cũng giảm 100 km xuống 1.000 km. Như vậy, để trải qua một khóa đào tạo, học viên học lái xe số tự động sẽ mất 476 giờ, dù thời gian học thực tế dành cho mỗi học viên chỉ là 204 giờ.

Nếu tính thời gian theo ngày, việc học lái xe số tự động sẽ chỉ mất 76,5 ngày ( khoảng 2,5 tháng, gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày khai giảng, bế giảng), giảm tới 12 ngày so với học lái xe số sàn, trong đó riêng số ngày thực học giảm 10 ngày xuống 59,5 ngày.

Trả lời Báo Giao thông mới đây, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam – đơn vị chủ trì soạn dự thảo thông tư mới) cho biết, sở dĩ thời gian đào tạo lái xe số tự động giảm so với số sàn vì loại xe này không có tải. Bên cạnh đó sẽ có một số môn học viên không bắt buộc phải học như trước mà có thể tự học như: cấu tạo, sửa chữa, nghiệp vụ vận tải… Về sát hạch, nếu là xe số tự động, bài thi “đề pa lên dốc” không cần thiết vì xe số tự động khi lên dốc không bị trôi nên sẽ được loại bỏ. Cùng với đó các nội dung đào tạo như: xử lý tình huống xe chết máy và tăng giảm số cũng được loại bỏ.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng và các kỹ năng lái xe, dự thảo đã tăng thêm bài ghép ngang vào nơi đỗ (lùi xe) để đảm bảo phù hợp với thực tế đa số xe số tự động hoạt động tại các thành phố, nên việc ghép xe vào giữa hai xe rất cần nâng cao kỹ năng. Vì thế, nội dung sát hạch lái xe số tự động sẽ tăng thêm một bài thi so với xe số sàn (từ 10 bài lên 11 bài).

Thực hành cũng chấm điểm tự động

Được biết, khi thi lấy giấy phép lái xe, người dự sát hạch phải thực hiện đúng trình tự và điều khiển xe qua các bài sát hạch đã bố trí tại trung tâm sát hạch như: xuất phát, dừng xe nhường đường cho người đi bộ, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe và đường vòng vuông góc, qua ngã tư có đèn tín hiệu điều khiển giao thông, qua đường vòng quanh co, ghép xe vào nơi đỗ (hạng B1, B2 và C thực hiện ghép xe dọc; hạng B1, B2 và D, E thực hiện ghép xe ngang), tạm dừng ở chỗ có đường sắt chạy qua, thao tác khi gặp tình huống nguy hiểm, thay đổi số trên đường bằng, kết thúc. 


Thời gian học lái xe số tự động giảm nhưng việc sát hạch gắt gao hơn

Đặc biệt, dự thảo Thông tư mới quy định sát hạch thực hành lái xe trên đường đối với các hạng B1, B2, C, D và E phải sử dụng thiết bị chấm điểm tự động để hạn chế tiêu cực, tác động chủ quan của con người vào kết quả sát hạch. Cùng với đó, Thông tư mới quy định sát hạch viên là giáo viên của cơ sở đào tạo lái xe (công lập hoặc ngoài công lập) phải có thâm niên giảng dạy và đóng bảo hiểm liên tục ở cơ sở đào tạo đang công tác tối thiểu 5 năm; không được sát hạch đối với học viên do cơ sở trực tiếp đào tạo.

Được biết, giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trong trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. (Riêng giấy phép lái xe hạng B2 vẫn giữ nguyên thời hạn 10 như hiện nay).

Theo VnMedia

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn