Thu hút FDI vào nông nghiệp
Cập nhật ngày: 23/07/2015 07:37:53
Thời gian qua, ngành nông nghiệp rất nỗ lực trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này, nhưng tỷ trọng ngày càng thấp. Theo Bộ NN-PTNT, xu hướng dòng vốn FDI bỏ qua nông nghiệp ngày càng thể hiện rõ qua các con số thống kê. Cụ thể, nếu như năm 2001, vốn FDI vào nông nghiệp chiếm tới 8% tổng vốn FDI cả nước, thì đến nay, vốn FDI vào ngành này chỉ còn khoảng 1% tổng vốn FDI cam kết vào Việt Nam. Trước yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề cải thiện thu hút FDI vào nông nghiệp đang đặt ra gay gắt.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp FDI vẫn chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là họ vẫn chưa được đối xử công bằng như các doanh nghiệp trong nước. Ví dụ đối với ngành lúa gạo, doanh nghiệp FDI không thể mua trực tiếp từ nông dân mà phải mua qua các trung gian là thương lái hay công ty lương thực. Ngoài ra, họ vẫn chưa được tham gia vào các hiệp hội ngành hàng để góp tiếng nói trong các vấn đề chính sách như các doanh nghiệp trong nước.
Thêm nữa, các chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực… chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ nông dân mà không áp dụng cho các dự án FDI. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới doanh nghiệp FDI về đất đai, thuế… cũng chưa rõ ràng, mà còn lẩn khuất trong chính sách chung về nông nghiệp nông thôn. Những hạn chế đó chính là rào cản, khiến quá trình thu hút FDI vào nông nghiệp ngày càng bí lối.
Tại ĐBSCL, vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, đến thời điểm này, số dự án FDI nông nghiệp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, với tổng số vốn tròm trèm 250 triệu USD trên tổng số gần 12 tỷ USD đăng ký của hơn 900 dự án. Lý giải về điều này, các chuyên gia nhận định: Phần lớn tâm lý là ngán ngại. Khi đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể nào đó, nhà đầu tư FDI phải bỏ vốn xây dựng nhà máy, xây dựng vùng nguyên liệu, và chưa chắc cạnh tranh nổi với doanh nghiệp nội địa. Ngoài ra, điều kiện hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, môi trường đầu tư, thủ tục hành chính nhiêu khê, các khoản chi “ngoài luồng” còn quá lớn… cũng làm nhà đầu tư FDI ngại rót vốn vào đây.
Tuy nhiên, không hẳn là nông nghiệp không thu hút được FDI. Với lợi thế sẵn có, ĐBSCL vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Vấn đề là thay đổi phương thức và biện pháp tiếp cận dòng vốn. Thời gian qua, Đồng Tháp nổi lên như một điểm sáng về thu hút FDI vào nông nghiệp. Để thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, Đồng Tháp đã dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo đồng bộ đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp, sau đó mời gọi những nhà đầu tư tiềm năng đầu tư vào những sản phẩm đặc thù của địa phương như: xoài, sen, lúa gạo, cá tra, hoa kiểng… Những sản phẩm này đều có định hướng quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư.
Thỏa thuận hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Đồng Tháp với Tập đoàn phát triển nông thôn Hàn Quốc (KRC) là một trong những thành quả bước đầu. Tuy KRC là doanh nghiệp nhà nước của Hàn Quốc, được Chính phủ Hàn Quốc sử dụng để cấp viện trợ quốc tế, nhưng đằng sau KRC là một loạt doanh nghiệp tư nhân của Hàn Quốc muốn rót vốn đầu tư nông nghiệp.
Theo thỏa thuận, KRC chịu trách nhiệm huy động các nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc và các quỹ đa phương để cung cấp toàn bộ thiết bị, cơ giới hóa toàn bộ 20.000ha đất lúa tại Đồng Tháp. Sau khi đầu tư xong cơ sở hạ tầng, KRC sẽ lôi kéo các doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc sang đầu tư, tạo thành một chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Rõ ràng, từ câu chuyện của KRC, việc gọi vốn FDI vào ngành nông nghiệp là không khó nếu các địa phương biết tìm ra được thế mạnh của mình và lên được phương án tái cơ cấu khả thi để kêu gọi vốn. Cùng với Nghị định về ưu đãi FDI vào nông nghiệp mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng, chuẩn bị trình Chính phủ thông qua, kỳ vọng thu hút FDI vào nông nghiệp sẽ khởi sắc trong thời gian tới.
Theo TRẦN MINH TRƯỜNG/SGGP