Sạt lở và tái sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nguy hiểm

Cập nhật ngày: 31/07/2014 08:38:45

Những ngày này, nước lũ bắt đầu dâng cao ở các huyện đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang. Cùng lúc đó, tình trạng sạt lở cũng gia tăng mạnh ở các tỉnh ĐBSCL; trong đó Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long liên tục ghi nhận các vụ sạt lở nghiêm trọng. Câu chuyện sạt lở đã gia tăng trong 10 năm trở lại đây, còn chính quyền địa phương thì cứ loay quay tìm giải pháp.

S
ạt lở đê biển diễn biến phức tạp.

Sạt lở bủa vây

Các vụ sạt lở mới nhất được ghi nhận vào cuối tháng 7-2014 tại Hậu Giang. Cụ thể là tuyến bờ bao bề mặt rộng 6m, dài 24m đã sạt lở xuống kênh Thạnh Đông, thuộc xã Phú An, huyện Châu Thành, làm tuyến giao thông đường bộ khu vực này bị cắt đứt hoàn toàn. Chỉ tính riêng tại huyện Châu Thành, đã xảy ra 21 vụ sạt lở từ đầu năm đến nay, làm mất 3.700m² đất, gây thiệt hại gần 700 triệu đồng. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, toàn tỉnh có hơn 100 điểm dọc các bờ sông có nguy cơ sạt lở cao. Các điểm này tập trung ở tuyến sông Cái Côn, Mái Dầm, Cái Dầu, Ngã Sáu, Nàng Mao…

Trong khi đó, tỉnh Đồng Tháp cũng phát đi thông báo công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền đoạn chảy qua khu vực phường 11, TP Cao Lãnh. Tại khu vực phường 11 xuất hiện nhiều vết nứt có nguy cơ sạt lở, đe dọa tính mạng và tài sản của hàng trăm hộ dân. UBND tỉnh Đồng Tháp đã khẩn trương di dời nhà cửa, tài sản trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở để ghe tàu, xe tải qua lại tránh xa và hạn chế tốc độ, tải trọng khi qua lại khu vực này; xem xét thực hiện hỗ trợ ngay các hộ bị sạt lở, di dời theo chính sách hiện hành. Đáng chú ý là điểm sạt lở này rất gần với một kho chứa 5 triệu lít xăng dầu. Đồng Tháp cũng nhanh chóng phê duyệt xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở khu vực với tổng mức vốn hơn 9 tỷ đồng do Sở NN-PTNT làm chủ đầu tư.

Liên tục trong 3 năm qua, các công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở liên tục được các tỉnh An Giang, Đồng Tháp phát đi. Tình trạng này cũng xảy ra tương tự ở nhiều địa phương. Thống kê tại các tỉnh ven sông Tiền, sông Hậu cho thấy: Có 18 khu vực sạt lở với tốc độ 10m/năm, 37 khu vực sạt lở với 5-10m/năm và 26 khu vực sạt lở với tốc độ nhỏ hơn 5m/năm. Cà Mau là vùng đặc trưng sạt lở ảnh hưởng thủy triều với 48 vị trí sạt lở bờ ở sông Gành Hào, Cửa Lớn, cửa Bồ Đề, Sông Đốc… Trong khi Tiền Giang là vùng đặc trưng ảnh hưởng của thủy triều và dòng chảy từ thượng nguồn. Sạt lở gần như “bủa vây” khắp ĐBSCL từ các tuyến đê bao mía mới xây dựng ở Hậu Giang đến cặp các bờ sông Tiền, sông Hậu, đê biển Tây, tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông nông thôn, các vạt rừng ven biển đều chịu thiệt hại nghiêm trọng.

Tiếp tục tái diễn

Chưa có con số thống kê tổng hợp từ các địa phương trong vùng nhưng con số thiệt hại hàng năm do sạt lở lên đến hàng trăm tỷ đồng. Và kèm theo đó, địa phương nào cũng xin dự án làm kè, đê bao để chống chọi với sạt lở. Số tiền “xin làm dự án” bình quân vài chục tỷ đồng, thậm chí “dự tính” hơn ngàn tỷ đồng. Cụ thể, tại An Giang, có 52 khu vực bờ sông có nguy cơ sạt lở cao. Đáng lo nhất là 4,3km bờ sông Hậu đi qua TP Long Xuyên, trung tâm tỉnh lỵ An Giang. Để “giữ” 4,3km bờ sông này, Sở TN-MT tỉnh An Giang đề xuất UBND tỉnh phê duyệt dự án chỉnh trị dòng chảy tuyến sông Hậu khu vực TP Long Xuyên và cần đến 2.400 tỷ đồng để thực hiện dự án này!

Nhiều hội thảo chống sạt lở đã được tổ chức ở ĐBSCL. Các nhà khoa học, hiểu tính chất thổ nhưỡng ĐBSCL, có đất nền thấp, yếu đã khuyến cáo: khu vực có nguy cơ sạt lở lớn, tốc độ sạt lở cao (nhất là khu vực có báo động cấp II), các địa phương cần có kế hoạch từng bước sơ tán toàn bộ tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Các công trình đã xây dựng, lấn chiếm ven sông, nhất là với các công trình lấn ra lòng sông, cản dòng chảy, tải trọng lớn trên bờ sông cần sớm tháo dỡ kịp thời. Đây là phương án “tháo chạy sạt lở an toàn”! Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là sạt lở ngày càng gia tăng, thiệt hại ngày càng nghiêm trọng nhưng trách nhiệm quản lý xây dựng của các địa phương nằm ở đâu?! Khi mà nhà ở của người dân, thậm chí các công trình xây dựng cứ nhắm vào khu vực ven sông mọc lên! Các chuyên gia chống sạt lở khuyến cáo, cần nghiêm cấm xây dựng các loại nhà cửa, công trình tạm trong phạm vi 20-30m tính từ mép bờ sông khi chưa có quy hoạch công trình bảo vệ bờ. Khuyến cáo là thế, nhưng để tìm một biển báo cảnh báo “không nên xây dựng nhà ở khu vực có nguy cơ sạt lở ven sông ở ĐBSCL” thật khó. Có lẽ vì thế mà năm nào ĐBSCL cũng tái diễn cảnh sạt lở nghiêm trọng, nhà dân, cầu đường tiếp tục lọt xuống miệng “hà bá”.

CAO PHONG/SGGP

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn