Song hành nhiều dịch bệnh mùa hè nguy hiểm
Cập nhật ngày: 09/05/2014 07:51:03
Ngoài dịch sởi đang vẫn rất “nóng” với 136 ca tử vong liên quan đến sởi, thì tay chân miệng, sốt xuất huyết đều cũng ghi nhận bệnh nhân tử vong. Ngoài ra các dịch bệnh khác như viêm não vi rút, thủy đậu… đều có nguy cơ bùng phát thành dịch trong mùa hè.
Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khám cho một bệnh nhi bị biến chứng viêm phổi nặng suy hô hấp phải thở máy tại khoa Nhi (BV Bạch Mai).
Ảnh: H.Hải
Chiều 8/5, tại cuộc họp phòng chống các dịch bệnh mùa hè, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày cả nước ghi nhận thêm 47 trường hợp mắc sởi xác định, trong đó có 41 trường hợp nhập viện tại 3 bệnh viện (Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch viện Bạch Mai, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương). Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.231 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.652 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố với 136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.
Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi; trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi; 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Dịch xảy ra trên diện rộng, hiện chỉ xảy ra rải rác tại các xã phường, không còn các ổ dịch tập trung.
Hiện tại, tuy số bệnh nhân sởi mới có xu hướng chững lại, nhưng số bệnh nhân nặng nằm điều trị tại các bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa Nhi (BV Bạch Mai), BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn ở mức cao và nhiều ca nặng.
Trong khi đó, bệnh tay chân miệng cũng bắt đầu vào mùa với số hơn 17.000 ca mắc trên cả nước và 2 trẻ tử vong ở Long An và Bà Rịa-Vũng Tàu. “Dù giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn cảnh báo sẽ có diễn biến phức tạp trong năm nay. Không loại trừ khả năng dịch tay chân miệng bùng phát trở lại vì bệnh chưa có vắc xin phòng, lại là bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa nên khả năng lây lan rất lớn”, ông Phu nói.
Ngoài sởi, tay chân miệng thì hiện tại bệnh sốt xuất huyết cũng diễn biến hết sức phức tạp. Tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau và Bình Phước. Tuy số mắc, số tử vong đều giảm so với năm 2013, nhưng có đến 18 tỉnh/thành phố đã ghi nhận trên 100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tập trung tại một số tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.
Trong khi đó, sốt xuất huyết hiện vẫn đang lưu hành ở mức cao tại các nước khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch, ghi nhận số mắc gia tăng theo thống kê hàng năm, bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu cùng với tập quán trữ nước tại nhiều địa phương nguy cơ xảy dịch là rất lớn.
“Sốt xuất huyết rất dễ lây truyền qua muỗi đốt, trong khi đó, muỗi đẻ ở môi trường nước trong như: bể nước, chậu hoa… Chỉ đơn giản là một lo lon bia vứt lăn lóc ở góc vườn đọng nước mưa cũng có thể là nơi sinh nở của muỗi, hay trong lọ hoa để lâu ngày, hộp nước để sau tủ lạnh… cũng là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sôi phát triển. Sốt xuất huyết cũng chưa có vắc xin phòng bệnh, với 4 tuýp gây bệnh, các tuýp vi rút lại không có miễn dịch chéo vì thế một người có thể đồng thời mắc hai tuýp gây bệnh khác nhau, khiến tình trạng bệnh cũng nặng hơn”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, bệnh viêm não vi rút cũng xuất hiện với 191 ca viêm não vi rút được ghi nhận từ đầu năm đến nay, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, 3 tử vong. Ngoài ra, các dịch bệnh trên thế giới như viêm đường hô hấp cấp tính tại khu vực Trung Đông, cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, vi rút bại liệt hoang dại...cũng có nguy cơ xâm nhập vào nước ta.
Hiện Bộ Y tế đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ để tăng cường kiểm soát các dịch bệnh nguy hiểm đang đe dọa Việt Nam. Riêng với dịch sởi, 8 đoàn kiểm tra của Bộ Y tế liên tục đi kiểm tra công tác phòng chống sởi tại các địa phương. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức tiêm vét cho trẻ từ 9 tháng đến dưới 2 tuổi, 11 tỉnh, thành phố trọng điểm triển khai rà soát đối tượng chuẩn bị tiêm bổ sung vắc xin sởi cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi tại xã, phường có nguy cơ cao.
Theo Tú Anh/Dân Trí