Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường phản ứng linh hoạt, hiệu quả với mọi diễn biến
Cập nhật ngày: 03/08/2022 11:00:02
Ngày 3/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 trực tuyến với các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI)
Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tháng 7 và 7 tháng qua có nhiều biến động mà chúng ta chưa thể dự báo, có những cái chưa có tiền lệ; trên thế giới, cạnh tranh chiến lược diễn biến gay gắt, xung đột Nga-Ukraine còn phức tạp; áp lực tăng giá xăng dầu, các mặt hàng chiến lược, thiên tai, lũ lụt khốc liệt.
Ở trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài còn hạn chế. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy…
Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng cũng nêu rõ, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như áp lực, nguy cơ lạm phát hiện hữu; giá cả các mặt hàng chiến lược còn biến động; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; một số nội dung trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội còn chậm. Trên cơ sở đó, chúng ta cần phân tích kỹ những kết quả trên, làm rõ nguyên nhân, những điểm chưa được, nhất là nguyên nhân chủ quan để có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp tình hình, rút ra bài học kinh nghiệm trong điều hành 7 tháng qua.
Về nhiệm vụ tháng 8 và các tháng tiếp theo, Thủ tướng nhấn mạnh, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; xác định là khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi; không được chủ quan, thỏa mãn, xác định nhiệm vụ thời gian tới rất nặng nề; do đó cần tập trung phân tích, đánh giá tình hình trong và ngoài nước chính xác để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Ảnh: TRẦN HẢI
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 4 ổn định cần tập trung làm tốt, đó là: ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng, các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng chiến lược; ổn định chính trị trật tự an toàn xã hội; ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Làm tốt 3 tăng cường: tăng cường nắm tình hình phản ứng linh hoạt, hiệu quả; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, thế giới tiêm vaccine; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hệ thống hành chính. 2 đẩy mạnh: đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh phát triển doanh nghiệp và công ăn việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, nhất là đầu tư công. Tiết kiệm triệt để, giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Kiên quyết không điều hành “giật cục”; thực hiện một khoa học, chắc chắn, hiệu quả.
* Theo Tổng cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 7 tiếp tục phục hồi, ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so cùng kỳ năm trước do các doanh nghiệp nỗ lực mở rộng sản xuất bù lại khoảng thời gian 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính chung 7 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước .
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 ước tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.
Tính chung 7 tháng năm 2022, IIP ước tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%), đóng góp 7,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,4%, đóng góp 0,5 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 3,6%, đóng góp 0,6 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng Bảy giảm nhẹ (0,7%) so với tháng 6/2022. Tuy nhiên tính chung 7 tháng năm 2022, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại hoạt động tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 9%.
Trong tháng 7, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tiếp tục được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực triển khai, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh thực hiện trong bối cảnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh. Tính chung 7 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 43,3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2018-2022…
Tin: THANH GIANG; Ảnh: TRẦN HẢI
Theo NDO