Thay thế người đứng đầu có biểu hiện bao che cho buôn lậu

Cập nhật ngày: 25/03/2017 08:47:54

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 160/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

Thông báo nêu rõ, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe của cộng đồng, gây bức xúc trong nhân dân.

Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới có chuyển biến tích cực, căn bản hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng quán triệt, thực hiện nghiêm, có kết quả các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; phải thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác này, xác định rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan để đưa ra giải pháp, biện pháp khắc phục kịp thời, nâng cao hiệu quả công tác thời gian tới.

Phó Thủ tướng yêu cầu phân tích, đánh giá những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, về địa bàn, mặt hàng trọng điểm (biên giới phía Bắc, Tây Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, mặt hàng thuốc lá, xăng dầu, ô tô, đường, thuốc tân dược, thực phẩm tươi sống...), về phương thức, thủ đoạn, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác, phối hợp lực lượng đồng bộ, hiệu quả, tránh tình trạng khi đấu tranh với các đối tượng manh động nhưng không có lực lượng phối hợp, hỗ trợ,... từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, thực chất và bài bản, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu theo từng địa bàn, lĩnh vực phụ trách. Điều chuyển, kiến nghị điều chuyển, thay thế người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, để tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý kéo dài, nghiêm trọng; có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thực hiện đúng công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự trong sạch, vững mạnh.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về pháp luật, kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chỉ rõ các vi phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan, trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng, biểu dương, phê bình, nêu gương người tốt, việc tốt.

Tập trung nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị phát động cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại các địa bàn trọng điểm biên giới phía Bắc, Tây Nam, cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, các địa bàn đông dân cư; kiên quyết xóa bỏ tình trạng hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả được vận chuyển, tàng trữ, phân phối, bày bán công khai.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý, giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước. Ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới góp phần ổn định cuộc sống của người dân để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các qui định của pháp luật, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý; về chính sách thương mại biên giới, phải xem xét điều chỉnh cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu tiểu ngạch để tiến tới tập trung vào xuất khẩu, nhập khẩu chính ngạch. Tăng cường tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, chủ động phối hợp với các tổ chức, thương hiệu toàn cầu chống hàng giả, chống vi phạm sở hữu trí tuệ, xác định nhiệm vụ chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Các cơ quan thông tấn, báo chí cần tích cực phản ánh, đưa tin về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, về hành vi tiêu cực của các cá nhân, tổ chức nhất là đối với những người đang thực thi công vụ, đảm bảo trung thực, chính xác, kịp thời.  

NT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn