Thứ gì cũng nhập!

Cập nhật ngày: 31/07/2016 06:15:13

Không mặn mòi trong khâu sản xuất, có tư tưởng “sính hàng ngoại, ngại hàng nội” nên mỗi năm, Việt Nam bỏ ra số tiền khổng lồ để nhập những thứ mà chúng ta đang dư thừa hoặc có thể tự làm được.

Thị trường cây giống ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có sự cạnh tranh gay gắt giữa giống cây nội và nhập ngoại - nhất là loại xuất xứ từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc... Ông Nguyễn Văn Liệt (ngụ xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre), một người chuyên bán cây giống, phản ánh: “Ở địa phương đang rộ lên việc mua bán cây giống mãng cầu xuất xứ từ Thái Lan. Nhiều chủ vườn đã chiết nhánh bán rất nhiều với giá khoảng 20.000 đồng/nhánh”.

Trái cây nội lép vế

Cách đây không lâu, khi thấy giá chôm chôm Thái có lúc lên mức 52.000-56.000 đồng/kg, xoài Đài Loan trên 40.000 đồng/kg, mít nghệ Thái 35.000 đồng/kg…, nhiều người cũng đổ xô tìm mua cây giống về trồng. Theo ông Liệt, những giống cây xuất xứ từ nước ngoài có chất lượng trái ngon, nhanh cho trái, đầu ra sản phẩm tốt.


Mỗi năm, Việt Nam bỏ ra số tiền rất lớn để nhập hạt giống nông nghiệp Ảnh: NGỌC TRINH

ĐBSCL được xem là thủ phủ trái cây nhưng nhiều năm qua phải cạnh tranh gay gắt với trái cây Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia... Ở một số chợ tại quận Ninh Kiều và tuyến đường bán trái cây dọc đường Nguyễn Văn Linh (TP.Cần Thơ), trái cây ngoại xen lẫn trái cây trong nước. Ông Lê Minh Đức, người bán trái cây lâu năm tại chợ Xuân Khánh, cho biết: “Măng cụt ở miền Tây có diện tích rất ít. Loại trái này được trồng tập trung nhiều tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh; huyện Trà Ôn và thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long hay huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng… nên đến mùa thu hoạch là giá rất cao, khoảng 50.000-60.000 đồng/kg nhưng các sạp ở chợ cũng không kiếm đủ hàng để bán. Vì vậy, thông qua một thương lái, tôi đã nhập măng cụt Thái Lan để bán thêm”.

Măng cụt Thái trái to, màu sắc đẹp, giá bán rẻ hơn 10.000-20.000 đồng/kg, tỉ lệ bị sượng, hư chỉ khoảng 10%-15%, còn măng cụt trong nước đến 30%-35%. “Ngoài măng cụt, sạp tôi còn lấy bòn bon, me Thái vì chất lượng ngon, để được lâu hơn vì nghe nói họ trồng bằng công nghệ kỹ thuật cao. Gần đây, trái cây Trung Quốc đã bị người tiêu dùng tẩy chay nhưng hàng Thái lại được ưa chuộng” - ông Đức đánh giá.

Trong các loại xoài thì xoài Đài Loan nhiều năm qua đã làm mưa làm gió trên thị trường, cạnh tranh với xoài cát Chu, xoài cát Hòa Lộc. Ông Trương Minh Út (xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) nhớ lại: “Cách đây mấy năm, nghe bên khuyến nông nói xoài Đài Loan cho trái to, nhẹ công chăm sóc nên tôi mua 30 gốc về trồng thử. Đây là giống nhập ngoại, cây có thể ra trái ngay sau năm đầu tiên, không có hiện tượng ra hoa nhiều nhưng không đậu quả như xoài miền Tây”.

Trước nhu cầu của thị trường, nông dân phải luôn tìm tòi những giống cây “độc”, lạ, trái ngon. Ông Võ Văn Mau (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã “biến” giống mít ruột đỏ xuất xứ Thái Lan thành loại trái cây mang thương hiệu của mình. Năm 2006, khi một người bạn ở nước ngoài về tặng 60 hột mít (ruột đỏ và ruột vàng), ông Mau đem gieo trồng. Những trái mít ruột đỏ đầu tiên có múi giống mít nghệ nhưng màu đỏ tươi, có mùi dầu chuối, ngọt thanh nên khi bán ra được thị trường ưa chuộng. Từ đó đến nay, ông Mau đã nhân giống mít ruột đỏ và bán rất chạy, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Mít ruột đỏ trồng 16-18 tháng là đã cho thu hoạch nên được nhiều nông dân chọn để phát triển kinh tế gia đình.


Muối ở Bạc Liêu tràn đồng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn nhập khẩu Ảnh: DUY NHÂN

Diêm dân khóc ròng

Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có văn bản yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc mua tạm trữ muối niên vụ 2016 của diêm dân ở các địa phương có muối tồn đọng lớn như: Bến Tre, Bạc Liêu… Bởi lẽ, diêm dân ở những nơi này đang phải khóc ròng vì lượng muối bí đầu ra. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) phải nhập khẩu muối.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, tổng sản lượng muối diêm dân thu hoạch đến thời điểm này là trên 150.000 tấn. Riêng huyện Đông Hải, diêm dân thu hoạch trên 100 tấn nhưng chỉ mới bán được khoảng 15%. Số còn lại thương lái không thu mua dù đã ép giá xuống còn trên dưới 300 đồng/kg, diêm dân lỗ nặng. Ngoài ra, lượng muối tồn đọng từ năm trước tại thủ phủ muối này còn trên 10.000 tấn.

Vào những ngày này, ở các HTX muối Doanh Điền, Quy Điền (huyện Đông Hải), muối đổ đống trên bờ, dưới ruộng nối dài hàng cây số để chờ thương lái thu mua. Theo diêm dân Trần Văn Thiệt (ấp Doanh Điền, xã Điền Hải, huyện Đông Hải), giá muối xuống thấp là do DN và thương lái câu kết với nhau để ép giá. “Chỉ cần lợi nhuận 100 đồng/kg muối thôi thì với 160.000 tấn muối, họ sẽ bỏ túi hàng tỉ đồng. Với giá này, diêm dân chúng tôi lỗ nặng nhưng nếu không bán thì không có vốn để tái sản xuất” - ông Thiệt rầu rĩ.

Nhiều diêm dân than thở khi họ liên hệ với Công ty CP Muối Bạc Liêu thì được trả lời là không mua muối tại ruộng. “Chúng tôi vận chuyển muối đến kho của công ty phải tốn nhiều chi phí song họ chỉ mua nhỏ giọt với số lượng rất ít và chỉ mua qua thương lái” - diêm dân Nguyễn Thanh Nghị, xã Điền Hải, tỏ ra ngao ngán.

Diêm dân Bạc Liêu, Bến Tre đang trông chờ chương trình thu mua muối tồn kho của Chính phủ. Đó là nơi bám víu duy nhất của họ trong thời điểm khó khăn này. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành chức năng địa phương vẫn chưa có thông tin gì về chương trình thu mua muối và chưa nhận được bất cứ đề nghị thu mua nào từ phía các DN.

“Muối tồn đọng trong dân quá lớn, hiện là mùa mưa nên việc thất thoát là khó tránh khỏi. Diêm dân sốt ruột, chúng tôi cũng sốt ruột nhưng chưa có đơn vị nào liên hệ đặt vấn đề mua muối theo chương trình của Chính phủ” - ông Lê Trường Hận, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hải, lo ngại.

Theo ông Hận, thời gian qua, hạt muối của diêm dân Bạc Liêu bị đánh giá chỉ dùng để ăn, không đủ chất lượng để sản xuất công nghiệp nên các DN phải nhập khẩu. Tuy nhiên hiện nay, chất lượng muối của diêm dân Bạc Liêu rất tốt nhờ đợt nắng hạn kéo dài vừa qua. Thậm chí, giá muối đã xuống thấp kỷ lục nhưng cũng không bán được.

“Trước giờ, chưa có DN nào đến tận ruộng thu mua muối mà họ chỉ thu mua tại công ty với số lượng lớn. Diêm dân sản xuất nhỏ lẻ, giá thấp nên không thể vận chuyển đi bán trực tiếp vì tốn kém rất nhiều chi phí nên đành phải nằm chờ thương lái. Đó cũng là một phần lý do vì sao muối trong nước tràn đồng mà vẫn nhập khẩu” - ông Hận lý giải.

Ông Trần Quốc Hưng, Phó Chủ nhiệm HTX Trường Sơn (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), cho biết vụ vừa qua, HTX chỉ có hơn 100 ha, sản xuất được hơn 8.000 tấn muối trắng và muối đen. Thế nhưng đến nay, diêm dân vẫn chưa bán được hạt muối nào.

“Tôi chưa từng thấy ở đâu như xứ này. Tỉnh, huyện và xã kêu gọi diêm dân đầu tư làm muối trải bạt để có sản phẩm chất lượng nhưng đến khi thu hoạch, bán thì không ai mua. HTX chở muối đến tận Công ty CP Muối Bạc Liêu bán nhưng họ vẫn không mua. Công ty lấy lý do là muối không đạt chất lượng nên chỉ mua từ thương lái. Trong khi đó, lượng muối này cũng do thương lái thu mua của diêm dân. Do công ty quá ưu ái cho thương lái nên họ muốn mua giá bao nhiêu và mua của ai là do họ quyết định” - ông Hưng bức xúc.

Nghịch lý đậu phộng

Huyện Đức Hòa, tỉnh Long An được xem là một trong những vùng trồng đậu phộng lớn của cả nước. Với khoảng 5.000 ha, mỗi năm huyện này sản xuất 15.000-18.000 tấn đậu phộng. Tuy nhiên, vì giá cả bấp bênh (có khi chỉ còn 14.000 đồng/kg) nên nhiều người phải sấy đậu rồi đóng vào bịch để mang ra ven đường bán lẻ.

Mới đây, nghe tin Bộ NN-PTNT ra quyết định tạm ngưng nhập khẩu đậu phộng từ Senegal vì sản phẩm của nước này bị nhiễm mọt nguy hại, người trồng đậu phộng ở Đức Hòa không khỏi giật mình. Họ càng ngỡ ngàng hơn khi biết số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong năm 2015, Việt Nam nhập đến 35.000 tấn đậu phộng từ Ấn Độ, Trung Quốc và Senegal.

----------------------------------------------------------------

“Lười” sản xuất

Theo GS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm, chúng ta phải bỏ ra hàng tỉ USD để nhập các loại hạt giống cây trồng. Đáng nói là có nhiều loại chúng ta có thể tự sản xuất dễ như trở bàn tay.

Rảo quanh các điểm bán hạt giống nông nghiệp ở ĐBSCL, chúng tôi nhận thấy hầu hết đều có những loại xuất xứ Thái Lan, Đài Loan như: Rau dền, rau mồng tơi, cải xanh, cải ngọt, đậu que, cà chua, khổ qua… Tất cả được đựng trong các loại bao bì trông rất bắt mắt. Hỏi vì sao không cung cấp những loại hạt giống nội địa, một chủ cửa hàng bán vật tư nông nghiệp và hạt giống tại quận Cái Răng, TP Cần Thơ so sánh: “Hạt giống ngoại đa dạng chủng loại, cần bao nhiêu cũng có. Tỉ lệ nảy mầm của hạt giống ngoại cao hơn rất nhiều so với hạt giống trong nước do chúng được sản xuất, bảo quản kỹ lưỡng”.

Ông Võ Văn Còn - ở phường Phú Thứ, quận Cái Răng - thừa nhận nhà nông trồng rau màu thường không mặn mòi đến việc sản xuất hạt giống. Bởi lẽ, với điều kiện thiếu thốn của nhà nông thì việc bảo quản hạt giống tốt là không hề dễ dàng. Các DN cung cấp hạt giống thì ít khi tự sản xuất nên chủ yếu nhập từ nước ngoài.

Trong khi đó, GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cho biết hiện chúng ta nhập nhiều nhất là các loại hạt giống rau (khoảng 70 triệu USD/năm), kế đến là hạt bắp lai. “Cả các loại giống lúa lai, Việt Nam cũng phải nhập. Thậm chí, đến cà chua mà chúng ta cũng không thể sản xuất được hạt giống” - ông băn khoăn.

DUY NHÂN - CA LINH - CÔNG TUẤN/NLĐO

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn