Thủ tướng: Cải cách tiền lương bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa và ổn định
Cập nhật ngày: 01/06/2024 16:14:23
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội với nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, sáng 1/6.
Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới được người đứng đầu Chính phủ đề cập là chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân.
"Chuẩn bị cải cách tiền lương theo các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hòa, ổn định. Đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 1/7 về các vấn đề liên quan thang bảng lương, lương cơ sở và chính sách đặc thù", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP)
Các bộ, ngành và địa phương cần làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc; phòng chống đuối nước, nhất là ở trẻ em; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Khẩn trương hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa trình Quốc hội.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Về chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, Thủ tướng quán triệt tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
"Chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4%", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo yêu cầu của Thủ tướng, sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược; Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng thực hiện ngay các giải pháp cụ thể đẩy mạnh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Thủ tướng cũng đặc biệt nhấn mạnh việc tiếp tục quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 tổ công tác của Thủ tướng và 26 tổ công tác của thành viên Chính phủ, phân bổ sớm 29.100 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại.
Song song với đó, theo Thủ tướng, cần báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Liên quan đến công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng…
Cạnh đó, khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tập trung hoàn thành phê duyệt các quy hoạch còn lại (Hà Nội,TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương...).
Nhấn mạnh thể chế, cơ chế, chính sách chính là nguồn lực, Thủ tướng cho biết sẽ sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý. Theo đó, Thủ tướng sẽ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Chính phủ là thành viên.
Thủ tướng cũng thông tin, sẽ đề xuất báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 ban hành 1 luật sửa nhiều luật để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trên các lĩnh vực. Các Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục chủ trì rà soát tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý theo lĩnh vực quản lý.
Đề cập đến việc tập trung phát triển mạnh lĩnh vực công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống.
Thủ tướng lưu ý khẩn trương trình ban hành 3 nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp; về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).
Về nông nghiệp, cần tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ vàng" (IUU); điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ".
Về dịch vụ, du lịch, phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, tăng cường quản lý giá, chất lượng dịch vụ, nhất là mùa du lịch hè sắp tới.
Vẫn theo yêu cầu của Thủ tướng, tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, như Nhà máy bột giấy Phương Nam, Công ty tàu thủy Dung Quất, Nhà máy thép Việt - Trung, Nhà máy thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án Bệnh viện Bạch Mai và dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2.
Theo ANH NHẬT (VTC News)