Thủ tướng: Không để “đứt gãy”, mất năng lực sản xuất lĩnh vực trọng yếu!
Cập nhật ngày: 10/07/2020 05:55:42
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kiên quyết không để “đứt gãy”, mất năng lực sản xuất trong những ngành và lĩnh vực trọng yếu!
Ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia.
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá cao cố gắng của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành thời gian qua, đứng trước khó khăn nhiều mặt nhưng đã nỗ lực điều hành đúng, linh hoạt, kịp thời, mang lại sự phát triển, ổn định xã hội và niềm tin cho nhân dân.
Nguy cơ dịch bệnh còn hiện hữu, trong khi suy giảm kinh tế thế giới tác động nặng nề trên nhiều phương diện của đất nước. Các thành viên Hội đồng nhận định tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh chưa kết thúc trong năm nay mà có thể kéo dài trong thời gian tới.
Do vậy, có ý kiến cho rằng, gói chính sách phục hồi phát triển kinh tế phải mang tính dài hạn, cho cả năm 2021, 2022, chứ không chỉ trong năm nay với tinh thần tiến công kinh tế trong khi phòng thủ dịch bệnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia ngày 9/7
Thủ tướng ghi nhận các ý kiến cho rằng xu hướng các nước là tiếp tục thực hiện giải pháp kích thích kinh tế, cả về tài khóa và tiền tệ. “Tuy nhiên, nguy cơ tiếp theo là khủng hoảng nợ công, khủng hoảng hệ thống tài chính, tiền tệ và nợ xấu có thể xảy ra và nếu xảy ra thì cuộc khủng hoảng này sẽ tiếp tục đẩy thế giới lún sâu vào suy thoái nặng nề hơn. Việt Nam là nước hội nhập quốc tế sâu rộng” - Thủ tướng cho rằng cần lưu ý cảnh báo này trong điều hành cụ thể.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, Việt Nam có cơ hội lớn trong phát triển, đó là sớm khống chế dịch bệnh, nền tảng vĩ mô ổn định, môi trường thuận lợi. Chúng ta quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, đưa nền kinh tế vượt lên, thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội đi liền với phòng thủ dịch bệnh.
Thủ tướng nêu rõ cần điều hành chủ động, linh hoạt hơn nữa các công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ để đạt 2 mục tiêu: Kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và đời sống; giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, duy trì niềm tin chỉ đạo điều hành.
Về kịch bản tăng trưởng, lạm phát, với bối cảnh hiện nay, Thủ tướng thống nhất với Hội đồng kịch bản tăng trưởng từ 3-4%, kiểm soát lạm phát dưới 4%, kiên quyết không để mất niềm tin vào công tác chỉ đạo, điều hành, đây là yếu tố quan trọng.
“Mục tiêu cụ thể là năm 2020 và đầu 2021, tăng trưởng tín dụng trên 10%, chủ trương tăng thêm bội chi ngân sách, nợ công khoảng 3-4 % GDP để có thêm nguồn lực, chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để có thể hỗ trợ doanh nghiệp, kiên quyết bảo vệ hệ thống doanh nghiệp, không để đứt gãy, mất năng lực sản xuất trong những ngành, lĩnh vực trọng yếu.
Tiếp tục xem xét giảm lãi suất. Ngành ngân hàng tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi hội nghị, hội thảo, dành nguồn lực cho những nhiệm vụ cấp bách, chống dịch, hỗ trợ kịp thời cho người dân, doanh nghiệp” - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, các ngành, địa phương quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung kích cầu nội địa, phát triển mạnh mẽ thị trường 100 triệu dân, đặc biệt không để mất thị trường quốc tế bằng các giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn, nhất là nghiên cứu những thị trường mới, đẩy mạnh thanh toán điện tử, kinh tế số…
Theo Châu Như Quỳnh (Dân trí)