Tội phạm kinh tế và tham nhũng ngày càng tinh vi
Cập nhật ngày: 22/09/2016 06:00:36
Tiếp tục chương trình nghị sự phiên họp thứ 3, ngày 21-9, UBTVQH nghe và cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng.
Góp ý tại phiên họp thứ 3 UBTVQH
Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2016 (từ 1-10-2015 đến 31-7-2016) do Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành trình bày, năm 2016, diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm đã được kiềm chế, giảm đáng kể, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật ở một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn biến phức tạp, nổi lên tình trạng một số đối tượng phản động lưu vong chống đối trong nước liên kết với nước ngoài; vi phạm trong cấp phép, xuất bản, in ấn xảy ra nhiều hơn; tình trạng bỏ lọt bí mật trên mạng internet xảy ra nghiêm trọng. Đáng lưu ý, an ninh an toàn mạng tiếp tục bị đe dọa; tội phạm có tổ chức, nhất là băng nhóm đâm thuê, truy sát nhau siết nợ, tổ chức đánh bạc, cá độ có dấu hiệu phức tạp; số vụ giết người tăng cao; tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp…
Về tội phạm kinh tế và tham nhũng, trong khoảng thời gian nêu trên đã phát hiện, khởi tố điều tra 1.165 vụ ; 1.794 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế , ít hơn cả về số vụ và số bị can so với cùng kỳ năm 2015. Qua điều tra, hành vi của các loại tội phạm này ngày càng tinh vi nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư công, quản lý sử dụng đất đai, giao thông cơ bản, chính sách xã hội…
Các bị cáo trong vụ sai phạm tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) vừa đưa ra xét xử. Đây là sai phạm lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng, gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Ảnh: T.L
Về tình hình vi phạm pháp luật, qua thống kê theo dõi cho thấy tình hình chưa giảm, diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở nhiều lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực: an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; thuế, môi trường; xây dựng; bảo hiểm; an toàn thực phẩm; thuế; hải quan; xây dựng đất đai; xuất nhập khẩu; tài nguyên khoáng sản…
Nguyên nhân được đánh giá là do công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ sở, thiếu sót; công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao. Một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao ý thức trách nhiệm khi thi hành công vụ, nhiệm vụ; thậm chí tiêu cực vi phạm pháp luật; trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực có nơi chưa được xem xét, xử lý nghiêm, kịp thời. Đặc biệt, sự xuống cấp đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên đáng báo động; số người nghiện ma túy ngoài xã hội còn nhiều và là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tội phạm. Trình độ năng lực một bộ phận cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu nhất là trong lĩnh vực phòng ngừa chống tội phạm công nghệ cao, yếu tố nước ngoài; hệ thống pháp luật liên quan còn bất cập…
Cần hạn chế tình trạng lạm dụng đóng dấu “Mật”
Tại phiên họp sáng 21-9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị lãnh đạo Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp rà soát, hạn chế đóng dấu “Mật” vào các báo cáo tư pháp. Bà Lê Thị Nga nêu rõ, có rất nhiều nội dung trong báo cáo của các bộ, ngành tư pháp là công khai, nhưng báo cáo thì lại đóng dấu “Mật”, vì vậy, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng buộc phải đóng dấu mật; hạn chế quyền tiếp cận thông tin của đại biểu Quốc hội, của cử tri.
“Chúng tôi thiết tha đề nghị các đồng chí tách bạch nội dung nào thực sự mật, nội dung nào không cần thiết phải mật, để cử tri, đại biểu được biết, nhằm đánh giá chính xác tình hình và có ý kiến đóng góp xác đáng. Trong 10 nội dung có 9 cái không mật, 1 mật thì không nên đóng dấu mật cả”, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
|
Theo Anh Phương/SGGPO