Tội phạm tham nhũng thường... tâm thần
Cập nhật ngày: 17/09/2014 04:59:42
Đây là băn khoăn, thắc mắc của nhiều thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp toàn thể đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng năm 2014, diễn ra hôm 15.9 tại Hà Nội.
Thiếu tướng Trần Đăng Yến: “Nếu năm nào mà cũng có những vụ tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng ở Vinalines hay Công ty cho thuê tài chính 2 thì tôi nghĩ đất nước này không biết sẽ đi về đâu” - Ảnh: Thái Sơn
Đánh giá về báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, báo cáo nói tình hình tham nhũng "tương đối ổn định", trong khi dư luận rất bức xúc. Ông cũng cho rằng việc phân tích khó khăn, vướng mắc trong phát hiện tham nhũng thiếu cụ thể nên dẫn đến những kiến nghị rất nhạt. “Năm nào cũng kiến nghị sửa đổi luật, thể chế nên chưa tạo sự chuyển biến. Năm nào cũng kiến nghị chỉ thu hồi tài sản thiệt hại được 10% thôi, phải chăng 90% kia kiến nghị không đúng hoặc kiến nghị rồi để đấy”, ông Đương nói. Ông Đương cũng lưu ý rằng rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. “Tôi cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa”, ông Đương nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lưu ý, kể cả các vụ án tham nhũng lớn, các bị cáo khi bị truy tố thường bị bệnh tâm thần và không phải chịu trách nhiệm hình sự, hoãn thời gian chịu trách nhiệm hình sự. “Tình hình này có vấn đề gì không, tâm thần thật hay là đối phó, nhiều vụ chúng tôi thấy các bị can bị cáo tỉnh táo, hoành tráng lắm”, ông nói.
Người dân vẫn có tâm lý đưa hối lộ
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, khi đi giám sát, các địa phương đều kêu phức tạp nhưng hỏi dựa vào tiêu chí gì để nhận định như thế thì không nói được.
Một điểm mạnh của công tác này nổi lên gần đây là nhiều cơ quan đã giảm 50% thủ tục hành chính tạo thông thoáng cho người dân, doanh nghiệp nhưng trên thực tế một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức viên chức vòi vĩnh, người dân vẫn có tâm lý đưa hối lộ để được việc, tố cáo tham nhũng ngày càng ít đi, coi việc xử lý tham nhũng là việc của nhà nước. “Khảo sát của Bộ Nội vụ mới đây cho biết 80% người dân hài lòng với dịch vụ công nhưng khi công bố thì người dân phản ứng vì cho rằng con số đó không chính xác, lấy thành tích”, ông Quyền nói. Theo ông, qua thanh tra, kiểm toán phát hiện rất nhiều sai phạm với hàng ngàn héc ta đất, hàng ngàn tỉ đồng nhưng chỉ dừng lại ở xử lý hành chính, xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức, chuyển sang cơ quan điều tra rất ít, thu hồi tài sản qua các công tác này cũng rất thấp.
Phó tổng thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng thừa nhận, quản lý tài sản, thu nhập trong toàn xã hội nói chung và người có chức vụ quyền hạn nói riêng còn nhiều khó khăn, các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản bằng nhiều cách, cho nhiều người trong khi phạm vi kê khai chỉ dừng lại ở vợ chồng và con cái thành niên. Ông Lượng cho biết Thanh tra Chính phủ đã xây dựng đề án, báo cáo Thủ tướng và tới đây trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này. Về việc phát hiện vi phạm nhiều nhưng xử lý ít, ông Lượng giải thích do 2 nguyên nhân, một là do thiết chế của thanh tra, kiểm toán không phải chỉ để phát hiện tội phạm mà xem xét nếu phía bị thanh tra làm chưa đúng thì hướng dẫn làm cho đúng. Ngoài ra, quy định pháp luật chưa hình sự hóa hết các hành vi tham nhũng, trong 12 hành vi thì 5 hành vi vẫn xử lý hành chính, 7 hành vi xử lý tội phạm. Mặt khác, theo ông Lượng, vẫn còn tình trạng các đơn vị tự phát hiện ra tham nhũng nhưng không báo cáo vì nhiều nguyên nhân, trong đó có bệnh thành tích. “Tới đây phải tính toán thêm về trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Lượng nói.
“Năm nào cũng có vụ lớn thì đất nước sẽ đi về đâu”
Thiếu tướng Trần Đăng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm kiêm Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng (C48) Bộ Công an nói: “Nếu năm nào mà cũng có những vụ tham nhũng lớn như Dương Chí Dũng ở Vinalines hay Công ty cho thuê tài chính 2 thì tôi nghĩ đất nước này không biết sẽ đi về đâu”. Theo ông, việc ít phát hiện các vụ án lớn không phải cơ quan chức năng không nỗ lực, nhưng do đặc thù các vụ án tham nhũng khi phát hiện thì hành vi tham nhũng đã xảy ra cách đây từ nhiều năm trước. “Ngay từ bây giờ để phát hiện ra là rất khó vì do cơ chế, quy định của luật, bây giờ mới triển khai thực hiện dự án, mới đầu tư thì chỉ biết để nắm tình hình thôi, phải chờ đến lúc rút tiền ra mới xử lý được”, ông Yến nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trong phát biểu kết thúc phiên họp đã đánh giá tình hình tham nhũng còn rất phức tạp, mỗi ngày một nhiều hơn nhưng phát hiện chưa tương xứng, đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường hơn nữa trong thực hiện các giải pháp. Đối với tội phạm tham nhũng bị bệnh tâm thần, trong khi chưa có cơ quan nào trao đổi lại, ông Hiện đề nghị làm rõ thêm và xem xét nghiên cứu sửa đổi luật giám định tư pháp.
Thái Sơn(TNO)