Tổng lực ngăn chặn Ebola

Cập nhật ngày: 12/08/2014 09:34:59

Tất cả các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp chặt chẽ, chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra. Bộ, ngành và địa phương nào chưa xây dựng kế hoạch, chưa kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch thì phải làm ngay... Đây là yêu cầu được đặt ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Ebola của Bộ Y tế với các bộ, ngành chức năng, diễn ra chiều 11-8 tại Hà Nội.


Sử dụng máy đo thân nhiệt giám sát khách nhập cảnh tại sân bay Nội Bài.

Huy động cả công an, quân đội

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh do virus Ebola gây ra tiếp tục lan rộng và nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam rất cao qua con đường công dân Việt Nam đi du lịch, học tập tại Tây Phi trở về Việt Nam, cũng như công dân nước khác từ Tây Phi đến Việt Nam. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến thời điểm này đã ghi nhận trên 1.779 trường hợp nhiễm virus Ebola, trong đó có gần 1.000 trường hợp tử vong tại 4 nước vùng Tây Phi gồm: Guinea, Liberia, Nigeria, và Sierra Leone. Đáng lưu ý, một số quốc gia khác ngoài khu vực châu Phi cũng bắt đầu ghi nhận một số trường hợp nghi nhiễm virus Ebola.

Trước nguy cơ này, Bộ Y tế cùng với các bộ, ngành chức năng và địa phương đang tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh nguy hiểm, đưa ra các phương án với 8 nhóm giải pháp quan trọng. Trong đó tập trung các chỉ đạo cần thiết về cơ chế điều hành, chuyên môn, kỹ thuật, truyền thông, hậu cần trên toàn quốc. Đến ngày 11-8, tất cả các cửa khẩu quốc tế đều đã thực hiện áp dụng tờ khai y tế đối với khách nhập cảnh, kể cả đường bộ, đường thủy. Tại các cửa khẩu, cùng với việc áp dụng tờ khai y tế, việc giám sát sức khỏe khách nhập cảnh được kiểm tra bằng máy theo dõi thân nhiệt từ xa. Bộ Y tế cũng chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế, trong đó có phối hợp với WHO và Cơ quan kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ và kết nối hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp.


Hành khách nhập cảnh khai báo y tế. Ảnh: Lã Anh

Bộ Y tế cũng lên kế hoạch mua thêm hóa chất khử khuẩn, trang thiết bị phòng hộ, trong đó có 10.000 bộ trang phục phòng hộ cá nhân để phát cho những đối tượng nguy cơ cao khi làm nhiệm vụ. Đặc biệt trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, hiện nay đã xây dựng kế hoạch phân tuyến thu dung, điều trị bệnh nhân, chỉ định các bệnh viện bố trí khu vực cách ly, điều trị khi phát hiện ca bệnh. Trong trường hợp dịch lan rộng đã có phương án mở rộng khu cách ly, thành lập bệnh viện dã chiến, huy động các lực lượng công an, quân đội tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân và cộng đồng. Trong tình hình hiện nay, trước mắt khi phát hiện trường hợp nghi ngờ tại cửa khẩu, sẽ được chuyển về cơ sở cách ly có điều kiện tốt nhất để điều trị và kiểm soát ngay.

Không được chậm trễ

Cũng tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành gồm: Công an, GTVT, Ngoại giao, LĐTB-XH, NN-PTNT... cũng đã báo cáo các kế hoạch triển khai để phòng chống dịch bệnh do virus Ebola gây ra. Đại diện của Bộ Ngoại giao cho biết, đã có công điện khẩn gửi Đại sứ quán Việt Nam, cơ quan ngoại giao tại một số nước ở châu Phi và khu vùng dịch thông báo về tình hình dịch bệnh do virus Ebola, cũng như những khuyến cáo, các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế ban hành. Đại diện Bộ Ngoại giao cũng cho biết, theo thông báo mới nhất từ cơ quan đại sứ của ta ở Nigeria, hiện nay có 15 công dân Việt Nam đang ở trong vùng dịch và 10 người ngoài vùng dịch nhưng tất cả đều khỏe mạnh, không ai bị nhiễm bệnh.


Đoàn công tác của Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội kiểm tra công tác
 phòng chống dịch Ebola ở sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: LÃ ANH

Trong khi đó, về phía Bộ LĐTB-XH cho biết đã yêu cầu các doanh nghiệp đưa lao động sang khu vực châu Phi cung cấp thông tin thường xuyên về người lao động. Các doanh nghiệp phải tuyên truyền, nhắc nhở thường xuyên lao động trong vùng dịch có biện pháp phòng ngừa, khi thấy dấu hiệu bệnh thì báo ngay với chủ sử dụng để có biện pháp phòng ngừa. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp không đưa lao động sang làm việc tại vùng có dịch. Còn đại diện Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay Việt Nam không nhập khẩu các sản phẩm thịt động vật, nội tạng động vật từ khu vực có dịch. Tuy nhiên, không loại trừ nguy cơ các loại thịt động vật từ khu vực có dịch bị nhập lậu. Vì thế cơ quan chức năng sẽ tiến hành siết chặt kiểm tra, giám sát các loại động vật có khả năng gây bệnh, đặc biệt kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm thịt, nội tạng và tiêu hủy ngay nếu nhập lậu.

Về phía Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc WHO lần đầu tiên tuyên bố dịch bệnh do virus Ebola là tình trạng khẩn cấp toàn cầu đã cho thấy mức độ rất nguy hiểm của dịch bệnh này. Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành chức năng, cùng với các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau cùng với ngành y tế để quyết tâm ngăn chặn và phòng chống dịch bệnh do virus Ebola theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị chức năng của ngành y tế cũng như các bộ, ngành và địa phương cần triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo tình huống 1 (tập trung vào công tác phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan cho cán bộ y tế và cộng đồng). Đồng thời triển khai một phần tình huống 2 (khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, điều trị tích cực hạn chế thấp nhất tử vong và lây lan ra cộng đồng) chứ không cần phải chờ dịch bệnh xâm nhập. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông chính xác để cộng đồng và người dân hiểu rõ cơ chế lây lan của dịch bệnh Ebola, các biện pháp phòng ngừa, tránh gây hoang mang lo lắng.

KHÁNH NGUYỄN(SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn