Trưng bày hơn 400 hình ảnh, tài liệu về nỗi đau da cam
Cập nhật ngày: 03/08/2016 16:21:44
Nhân dịp 55 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2016), ngày 3/8, tại Hà Nội, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phối hợp với Binh chủng Hóa học, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Thư viện Quân đội tổ chức triển lãm chuyên đề “Da cam - lương tri - công lý”.
Với 4 chủ đề lớn: Thảm họa và nỗi đau, Nỗ lực khắc phục hậu quả, Vòng tay nhân ái, Khát vọng vươn lên, triển lãm trưng bày hơn 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật phản ánh tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại của chất độc hóa học mà quân đội Mỹ gây ra ở Việt Nam; những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra; những hoạt động của Đảng, Nhà nước, Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; những nỗ lực và cố gắng phi thường, những tấm gương điển hình vượt khó vươn lên của các nạn nhân và gia đình nạn nhân chất độc da cam.
Triển lãm trưng bày hơn 400 hình ảnh, tài liệu, hiện vật, với 4 chủ đề lớn: Thảm họa và nỗi đau, Nỗ lực khắc phục hậu quả, Vòng tay nhân ái, Khát vọng vươn lên
Tại triển lãm, Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chia sẻ, trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều loại chất độc hóa học, trong đó có chất độc da cam/dioxin. Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân. Đến nay, hàng trăm nghìn nạn nhân đã bị chết và hàng trăm nghìn người khác đang từng ngày, từng giờ vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Thế hệ con, cháu của các nạn nhân do nhiễm chất độc da cam đã bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, liệt hoàn toàn hoặc một phần cơ thể, như: mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư… đang chịu cuộc sống vô cùng khó khăn, nhiều gia tộc có nguy cơ tuyệt tự.
Thông qua triển lãm, người xem có thể hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của chất độc da cam/dioxin và hậu quả của chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam. Trên cơ sở đó có những hành động thiết thực để chia sẻ, ủng hộ, xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Ngoài trưng bày các hình ảnh và hiện vật, triển lãm còn có phần trưng bày sách, các công trình khoa học, các bài báo, tạp chí của các tác giả trong và ngoài nước viết về chủ đề da cam/dioxin.
Mai An/SGGPO