Từ 1-3, người lao động là F0 được hỗ trợ theo chính sách ốm đau thông thường

Cập nhật ngày: 03/03/2022 06:07:57

Chiều 2-3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết đã ban hành Quyết định số 4292/QĐ-TLĐ liên quan đến chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 


Xét nghiệm nhanh cho người lao động để phòng ngừa Covid-19

Theo đó, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã quyết định dừng thực hiện chi hỗ trợ cho đoàn viên và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ ngày 15-12-2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kể từ ngày 1-3-2022.

Việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị mắc Covid-19 (kể cả F0 tử vong) từ ngày 1-3-2022 trở đi được giao cho các cấp công đoàn thực hiện theo phân cấp tài chính quy định tại Quyết định số 4290/QĐ-TLĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày 1-3-2022 ban hành quy định về thu chi, quản lý tài chính, tài sản công đoàn cơ sở và Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 1-3-2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tiêu chuẩn, định mức chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn.

Việc tiếp nhận hồ sơ giải quyết chi hỗ trợ cho các đối tượng bị mắc Covid-19 trước ngày 1-3-2022 theo Quyết định số 3749/QĐ-TLĐ được thực hiện chậm nhất đến ngày 31-3-2022.

Theo bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, Quyết định số 3749 đã có hiệu quả nhất định trong việc vừa đảm bảo chi hỗ trợ cho đối tượng đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong bối cảnh “bình thường mới”, vừa đảm bảo dành nguồn tài chính công đoàn để chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022. 

Áp dụng các quyết định hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong hai năm qua, các cấp công đoàn đã chi hơn 5.800 tỷ đồng chăm lo cho người lao động. 

Theo Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ đã chuyển phương châm phòng chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát rủi ro, hạn chế phong tỏa diện rộng, giảm dừng việc, nghỉ việc, giảm thời gian cách ly y tế do dịch Covid-19. Do đó việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động cũng cần thay đổi cho phù hợp.

Mặt khác, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 của nước ta đã đạt ở mức cao, thuộc nhóm 6 nước cao nhất thế giới. Điều này góp phần giảm ca bệnh triệu chứng nặng và số ca tử vong do Covid-19. Theo nhiều chuyên gia y tế, sau khi đã tiêm phủ vaccine diện rộng trong toàn dân thì nên coi Covid-19 là bệnh lý chuyên khoa, cần xử lý như các bệnh lý chuyên khoa khác.

Theo VĂN PHÚC (SGGPO)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn