Vốn ngoại tiếp tục đổ vào Việt Nam

Cập nhật ngày: 07/07/2014 09:10:36

Dù hiện nay nền kinh tế Việt Nam còn không ít khó khăn, nhưng theo dự báo của các chuyên gia, triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Đặc biệt, trong thời gian tới dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam.


Sản xuất tại Công ty TNHH Rohto Việt Nam thuộc KCN VSIP 1, tỉnh Bình Dương.

Điểm đến của dòng vốn quốc tế

Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam - VIF 2014 diễn ra mới đây tại TPHCM, ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho hay, triển vọng kinh tế trung và dài hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Đặc biệt, việc nâng giới hạn sở hữu của nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tại các doanh nghiệp (DN) trong nước sẽ giúp thị trường tăng trưởng hơn nữa. Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2014 và giúp các DN mở rộng quy mô.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng về tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai ngắn và dài hạn như: Nhu yếu phẩm, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, tài chính ngân hàng. Các lĩnh vực khác cũng sẽ tiếp tục phát triển: Các dự án bất động sản đang thiếu vốn, nhà ở phân khúc trung bình.

Ngoài ra, việc cải thiện quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mang đến các cơ hội đầu tư tư nhân rất hấp dẫn. “Hiện Việt Nam đang nhận được nhiều quan tâm hơn từ các NĐT khu vực như Singapore, Thái Lan, Nhật Bản... Các cơ hội hợp tác giúp các quỹ thành viên (LPs) tham gia sâu hơn vào những thương vụ đầu tư. Hoạt động mua bán, sáp nhập đã diễn ra mạnh mẽ trong năm 2013 và sẽ còn tiếp tục trong năm 2014. Sức hút tăng lên từ việc nới room cho NĐT nước ngoài. NĐT chiến lược sẽ tiếp tục mua tài sản với mức giá hấp dẫn” - ông Don Lam tin tưởng.

Trong khi đó, ông Thomas Hugger, Tổng Giám đốc Quỹ Asia Frontier Capital cho rằng: Cơ hội ở Việt Nam vẫn nhiều, nhất là xu hướng các công ty toàn cầu dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang vẫn còn tiếp diễn. Bởi môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện. Cụ thể, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trong đó cho phép thành lập Công ty Quản lý tài sản quốc gia mua nợ xấu của các ngân hàng; khả năng nâng giới hạn cho sở hữu nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ có những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế như: Hạ lãi suất cho vay, giảm thuế cho các cá nhân và DN, đưa ra các gói kích thích với nhiều lĩnh vực, tái cấu trúc các DNNN. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối tăng sẽ giúp ổn định tiền đồng và hỗ trợ cán cân thanh toán. Đặc biệt, khi Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang đàm phán được ký kết và việc Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN 2015, sẽ thúc đẩy nền kinh tế và là cơ hội cho NĐT.

Còn Tiến sĩ Marc Faber, chiến lược gia tài chính, nhận định: “Việt Nam sẽ là một trong những thị trường mới nổi triển vọng nhất trong vòng 10 năm tới, với điều kiện Chính phủ Việt Nam phải giảm bớt sự can thiệp hành chính đối với nền kinh tế. Đồng thời, Việt Nam cũng phải đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN, tạo hàng hóa đa dạng cho thị trường”.

Tập trung các khâu đột phá

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh những thách thức và cơ hội đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam cũng không đứng ngoài các quy luật này. Nhận thức được những yếu kém và hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, Việt Nam đã đặt ra nhiệm vụ tập trung vào 3 khâu đột phá chiến lược cho giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Đó là cải cách thể chế, đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng.

Bên cạnh dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam, dự báo thời gian tới, lượng vốn đầu tư gián tiếp cũng sẽ đổ vào nước ta. Đề cập về chiến lược thu hút vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường chứng khoán một cách bền vững, an toàn, hiệu quả cần chú trọng đến công tác tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu là chủ yếu.

Trên cơ sở các trụ cột như: Tăng cường hàng hóa và cải thiện chất lượng nguồn cung, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, nâng cao tỷ trọng đầu tư có tổ chức, hoàn thiện hệ thống các tổ chức trung gian, tái cấu trúc lại hệ thống thị trường theo hướng bền vững, hiệu quả và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Đình Lý/SGGPO

 

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn