Vứt, thải rác trên vỉa hè, đường phố bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng
Cập nhật ngày: 01/02/2017 10:19:40
Nhiều quy định có liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của đa số người dân sẽ có hiệu lực thực hiện kể từ tháng 2-2017. Dưới đây là một số văn bản pháp luật đáng lưu ý.
Tăng mức phạt đối với các hành vi gây mất vệ sinh công cộng
Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, có hiệu lực kể từ ngày 1-2-2017, mức phạt tiền sẽ tăng gấp nhiều lần đối với các hành vi gây mất vệ sinh khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Đơn cử, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng (quy định cũ 200.000-300.000 đồng) với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Phạt tiền từ 5-7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng) với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc vào hệ thống thoát nước mặt trong khu đô thị…
Từ tháng 2-2017, hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố...có thể bị phạt tiền từ 5-7 triệu đồng (quy định cũ 300.000-400.000 đồng)
Các trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân
Theo Thông tư 331/2016/TT-BTCsửa đổi, bổ sung Thông tư 256/2016/TT-BTC, quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí cấp căn cước công dân thì kể ngày 10-2-2017, có 3 trường hợp không phải nộp lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bao gồm: cấp thẻ căn cước công dân lần đầu đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên; đổi thẻ căn cước công dân khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi; đổi thẻ căn cước công dân khi có sai sót về thông tin trên thẻ căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân.
Nhà nước chỉ còn nắm 100% vốn điều lệ trong 11 ngành nghề
Theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành về tiêu chí phân loại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước và danh mục doanh nghiệp Nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020, từ ngày 15-2-2017, Nhà nước chỉ còn nắm giữ 100% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp hoạt động trong 11 ngành, lĩnh vực thay vì 16 ngành, lĩnh vực như trước đây. Trong đó, có 1 lĩnh vực được bổ sung (dịch vụ lưu không, dịch vụ thông báo tin tức hàng không, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn) và 6 ngành, lĩnh vực bị loại bỏ khỏi Danh mục, bao gồm: trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ; sản xuất, cung ứng hóa chất độc; quản lý khai thác các cảng hàng không, sân bay có vai trò, vị trí quan trọng đối với quốc phòng, an ninh, dịch vụ bảo đảm hoạt động bay; quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện, kè đá lấn biển; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng...
Các trường hợp miễn tập sự đối với viên chức chuyên ngành y tế
Theo Thông tư 43/2016/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế có hiệu lực từ ngày 1-2-2017, người trúng tuyển viên chức chuyên ngành y tế sẽ được miễn thực hiện chế độ tập sự khi thuộc một trong các trường hợp sau: đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên làm chuyên môn y tế trong các cơ sở y tế phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng; hoặc đã được cấp chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên môn phù hợp với vị trí việc làm được tuyển dụng và đã có thời gian thực hành từ 12 tháng trở lên để được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định.
ANH THƯ/SGGPO