Xây dựng nông thôn mới: Nhiều địa phương huy động quá sức dân, gây nợ đọng
Cập nhật ngày: 25/05/2016 15:33:10
Phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã khai mạc sáng nay 25-5, tại Nhà Quốc hội.
Một trong những nội dung quan trọng tại phiên họp này là UBTVQH sẽ cho ý kiến báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 vừa tổ chức ngày 22-5.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ nghe báo cáo kết quả giám sát bước đầu chuyên đề Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Cơ quan thường trực của Quốc hội còn cho ý kiến về 2 Dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính và Nghị quyết quy định về phân loại đô thị.
Gần 20% số xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới
Báo cáo giám sát kết quả triển khai bước đầu “Việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010- 2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” đã được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày tại phiên họp. Báo cáo giám sát này sẽ còn được tiếp tục hoàn thiện trước khi được báo cáo chính thức tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV.
Theo báo cáo, đến tháng 3-2016, có 1.761 xã (chiếm 19,7%) trong cả nước đạt tiêu chí nông thôn mới. Đồng thời có 1.223 xã chiếm 13,7% đạt từ 15-18 tiêu chí, 3.155 xã chiếm 37,5% đạt từ 10-14 tiêu chí, 2.123 xã chiếm 25,4% đạt từ 5-9 tiêu chí và chỉ còn 326 xã chiếm 3,9% dưới 5 tiêu chí.
Trồng lan xây dựng nông thôn mới tại huyện Củ Chi, TPHCM. Ảnh: Cao Minh
Nhờ thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước đã có khoảng 22.500 mô hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hiệu quả; khoảng 556.000 ha với 2.500 mô hình hợp tác, liên kết theo mô hình “cánh đồng lớn”; khoảng 200 mô hình chăn nuôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được cấp chứng nhận. Nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp, mô hình tổ, đội sản xuất trong khai thác thủy sản, trang trại, gia trại... đã được hình thành và hoạt động có hiệu quả.
Nhiều tiêu chí vẫn bất cập
Tuy nhiên, theo báo cáo của các đoàn giám sát tại địa phương và tổng hợp các báo cáo liên quan, Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới (đã được ban hành từ năm 2009 và được sửa đổi, bổ sung năm 2013), vẫn còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội các vùng, miền.
Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được phê duyệt từ ngày 10-6-2013 triển khai đến các cấp quá chậm, thậm chí đến nay còn 9 địa phương chưa ban hành đề án, kế hoạch tái cơ cấu trên địa bàn là Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Kiên Giang. Ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho chương trình còn thấp nhiều so với thực tế.
Đáng lưu ý, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán, để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Cụ thể, số nợ đọng của 35/41 tỉnh, thành phố khoảng 8.600 tỷ đồng và lại “rơi” vào những địa phương có nhiều khó khăn…
Các địa phương mới tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, chưa chú trọng phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường; vệ sinh môi trường nông thôn vẫn đang là vấn đề bức xúc của xã hội, tiêu chí môi trường đang là tiêu chí đạt thấp nhất.
Từ thực tế giám sát, Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đặc thù các vùng miền, địa phương theo hướng khung tiêu chí cứng và một số tiêu chí mềm dẻo, linh hoạt áp dụng một số vùng, miền có điều kiện tự nhiên đặc thù.
Thêm vào đó, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh, các địa phương cần khẩn trương xây dựng và phê duyệt các Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn chặt với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tổng kết và hình thành cẩm nang các mô hình quản lý, mô hình sản xuất thành công để nhân rộng kịp thời các mô hình này, nhất là mô hình liên kết trong chuỗi giá trị.
Đổi mới cơ chế huy động và sử dụng nguồn lực, huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho chương trình; kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp... cũng là những kiến nghị đã được nêu rõ trong dự thảo Báo cáo giám sát.
Làm sao để bảo vệ, phát huy thành quả đã đạt được
Nhiều ý kiến tại phiên họp đã bày tỏ băn khoăn về vấn đề này. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Đoàn giám sát trong thời gian tới đánh giá kỹ hơn về tái cơ cấu nông nghiệp; đưa ra giải pháp cho những vấn đề như quá trình xây dựng nông thôn mới phải gắn với đô thị hóa như thế nào (bởi nhiều xã vùng ven sắp trở thành khu vực đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng thế nào cho hợp lý, đảm bảo tính kết nối với đô thị, tránh lãng phí), liệu có phải các địa phương đã quá chú trọng đầu tư nguồn lực cho những xã đã được đăng ký xây dựng nông thôn mới (thường là những xã có điều kiện thuận lợi) mà “bỏ quên” những xã khó khăn hơn hay không…
Ông Vương Đình Huệ cũng bày tỏ đặc biệt quan tâm đến tiêu chí và phương hướng phấn đấu cho các xã, huyện sau khi đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Có lẽ phải nghĩ đến việc thiết lập những tiêu chí cho nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới điển hình, không để cho những thành quả đã đạt được bị mai một.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định: “Không thể không lưu ý đến những tồn tại trong nông thôn trước khi là nông thôn mới, nhất là sự tồn tại kém hiệu quả của các HTX nông nghiệp. 5 năm tới mới là giai đoạn khó khăn, khi những xã, huyện còn lại có điều kiện khó khăn hơn”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhắc nhở Đoàn giám sát lưu ý đánh giá tình hợp lý trong phân bổ nguồn lực tính đến đặc thù vùng miền. Tỷ lệ nợ đọng do xây dựng nông thôn mới tuy chưa phải lớn tính trên tổng ngân sách nhà nước được phân bổ, nhưng trường hợp nợ cao lại rơi vào 11 tỉnh phía Bắc, đều là những tỉnh khó khăn. “Nếu không có những giải pháp bền vững để bảo vệ thành quả của chương trình xây dựng nông thôn mới thì mới lại thành cũ”, bà nói.
Nêu yêu cầu cụ thể hóa hơn nữa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bình luận thẳng thắn: “Nếu giám sát tối cao mà chỉ nêu “có nơi có lúc, có bộ có người…” mà không chỉ rõ địa chỉ làm tốt và làm chưa tốt với những con người có trách nhiệm cụ thể thì không có tác dụng. Sẽ chẳng ai “sợ” giám sát tối cao cả”.
Thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi
- Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ngành trồng trọt giá trị gia tăng năm 2013 là 3%, năm 2014 là 3,2%, năm 2015 là 1,6%. Năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao; thu nhập bình quân/ha đất trồng trọt năm 2014 đạt khoảng 78,7 triệu đồng, tăng 3 triệu đồng/ha so với năm 2013, năm 2015 đạt 82,5 triệu đồng/ha, tăng 3,8 triệu đồng/ha. Chăn nuôi đã chuyển từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức trang trại, gia trại. Đã xác định rõ thứ tự ưu tiên về loại sản phẩm chính từ chăn nuôi là lợn, gà, bò thịt, bò sữa theo hướng tăng quy mô số lượng, nâng cao chất lượng.
- Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều: số xã đạt tiêu chí NTM ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.
(Trích dự thảo Báo cáo giám sát của Đoàn giám sát của UBTVQH)
|
ANH PHƯƠNG/SGGPO