Xử lý những công trình kém hiệu quả; khắc phục hạn chế trong bảo vệ môi trường

Cập nhật ngày: 16/11/2016 05:42:59

Ngày 15-11, là ngày làm việc thứ 20 của kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XIV. Các đại biểu QH làm việc tại hội trường, bắt đầu tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.


Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng chất vấn tại hội trường. Ảnh: THANH CHƯƠNG

Đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa XIV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND. Căn cứ quy định của Luật và cách thức tiến hành chất vấn được kế thừa và đổi mới, QH sẽ chất vấn theo những nhóm vấn đề trọng tâm, những nội dung liên quan lĩnh vực nào thì bộ trưởng, trưởng ngành phụ trách lĩnh vực đó trả lời, trên tinh thần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống một cách thiết thực, hiệu quả nhất, đáp ứng những vấn đề cử tri và nhân dân mong mỏi. Tại kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ QH trình QH quyết định chất vấn đối với bốn nhóm vấn đề, thuộc lĩnh vực của các bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo QH và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu QH tại hội trường.

Chủ tịch QH đề nghị, các đại biểu QH đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, các bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm vấn đề đại biểu QH nêu. Những chất vấn liên quan đến số liệu cụ thể, tài liệu nhiều, bộ trưởng có thể trả lời về quan điểm, giải pháp, sau đó cung cấp tài liệu cho đại biểu QH. Sau chất vấn, QH sẽ ban hành Nghị quyết để nâng cao năng lực điều hành, thi hành Nghị quyết của QH, có cơ sở để đại biểu QH giám sát lời hứa của thành viên Chính phủ tại phiên chất vấn.

Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, cho biết: Từ sau kỳ họp thứ 10 đến kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII, 63 Đoàn đại biểu QH đã tổ chức 823 cuộc tiếp xúc cử tri, tổng hợp 2.613 kiến nghị của cử tri gửi đến QH. Sau khi phân loại, xử lý các kiến nghị trùng nội dung, kiến nghị không rõ nội dung, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, còn 914 kiến nghị, nội dung liên quan hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Các kiến nghị này đã được các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu giải quyết, có văn bản trả lời gửi các cử tri đúng quy định (đạt tỷ lệ 100%). Nội dung trả lời cụ thể 914 kiến nghị này đã được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử QH.

Báo cáo nêu rõ: Một số bộ, cơ quan ngang bộ vẫn còn có hiện tượng quá chú trọng việc trả lời kiến nghị của cử tri, chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thực tế, có những kiến nghị của cử tri cần được tiếp thu để xử lý, giải quyết hoặc để ban hành, bổ sung, sửa đổi thay thế chính sách, pháp luật có liên quan, thì lại chỉ được trả lời dưới dạng thông tin, giải trình tới cử tri. Có những kiến nghị cần tổ chức thanh tra, kiểm tra, kết luận để có căn cứ trả lời cử tri, nhưng chưa được thanh tra, kiểm tra đã có văn bản trả lời cử tri. Một số văn bản đã được ban hành nhưng chất lượng văn bản vẫn còn hạn chế, tình trạng văn bản mới ban hành nhưng không phù hợp thực tiễn phải xem xét sửa đổi, bổ sung chưa được khắc phục. Còn có những trả lời kiến nghị của cử tri không đúng với nội dung mà cử tri hỏi; cử tri yêu cầu các cơ quan nhà nước phải giải quyết các vấn đề cụ thể đang gây bức xúc nhưng nội dung trả lời lại rất chung chung, chưa rõ ràng, không có biện pháp cụ thể giải quyết, cho nên sau khi cử tri nhận được văn bản trả lời nhiều trường hợp lại tiếp tục có kiến nghị.

Làm rõ trách nhiệm tại các công trình kém hiệu quả

Thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn của đại biểu QH là Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh. Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) đề nghị Bộ trưởng đánh giá tổng thể, nêu rõ nguyên nhân và phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để lãng phí, đồng thời làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Bộ trưởng Công thương cho biết, Bộ đã có đánh giá sơ bộ về năm dự án, gồm: Nhà máy Đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, Nhà máy bột giấy Phương Nam (tỉnh Long An). Các dự án này đều kéo dài quá thời hạn phê duyệt, rơi vào thời điểm thị trường thế giới nhiều biến động, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả và tính khả thi của dự án, cho nên không thể cạnh tranh nổi với các dự án đầu tư của nước ngoài có giá thành rẻ hơn. Các dự án vận hành thương mại cũng không đủ sức cạnh tranh, thậm chí nhiều dự án doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Bên cạnh đó, phải kể đến trách nhiệm phê duyệt, thẩm định, năng lực đàm phán, ký kết, quản lý của các ban quản lý dự án còn hạn chế, làm dự án bị kéo dài, thực hiện không đúng quy định của hợp đồng... Về trách nhiệm của các bên liên quan trong đầu tư, quản lý và vận hành các dự án này, không loại trừ có sự cố ý làm sai và các hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Bộ trưởng Công thương nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành là làm rõ nguyên nhân, qua đó nghiên cứu tổng thể các giải pháp theo quy định của pháp luật và quy luật thị trường trên cơ sở bảo toàn vốn nhà nước, phù hợp các cam kết quốc tế, có giải pháp khắc phục cụ thể; xem xét trách nhiệm của các chủ thể trên tinh thần cẩn trọng, đúng quy định... Về giải pháp lâu dài, cần đổi mới phương thức quản lý, mô hình quản trị doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện khung pháp lý theo hướng tăng cường phân cấp, hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể.

Cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chưa đi thẳng vào nội dung câu hỏi, nhất là về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, trách nhiệm quản trị doanh nghiệp ở các dự án kém hiệu quả, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) bày tỏ lo ngại khi nghe báo cáo về tình trạng quản lý đầu tư của một số dự án là do Bộ Công thương cho chủ trương, còn lại “khoán trắng”, buông lỏng để doanh nghiệp tự quyết, đến khi thua lỗ thì lại… báo cáo Chính phủ giải quyết. Bộ trưởng cho biết, do đặc thù của từng dự án cho nên có phương thức lập, thẩm định, quản lý, phê duyệt dự án khác nhau. Các dự án nêu trên sẽ được xem xét trên khuôn khổ pháp lý, làm rõ sai phạm do vô tình hay cố ý, sai vì mục đích gì, trách nhiệm các bên liên quan đến đâu. Sau đó, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ phương án xử lý dứt điểm và báo cáo trước QH.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn về hiệu quả và sự an toàn của dự án bô-xít Tây Nguyên. Bộ trưởng cho biết, các dự án bô-xít được triển khai thực hiện phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường. Các cơ quan quản lý Trung ương, địa phương đã giám sát chặt chẽ việc thi công dự án. Quá trình thi công đã xảy ra một số sự cố nhưng đã được kiểm tra, khắc phục, rút kinh nghiệm kịp thời. Thời gian tới, bộ sẽ phối hợp với địa phương tăng cường giám sát để bảo đảm an toàn dự án.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nhắc lại việc xả lũ bất ngờ tại Thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh), An Khê - Kanak…và đề nghị Bộ trưởng Công thương nêu rõ hướng xử lý. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, qua kiểm tra, có thể thấy, về quy trình, chủ đập phải thông báo với địa phương trước khi xả lũ, nhưng trong quy định lại không nói rõ là bằng hình thức nào, cho nên có thể lúc đánh kẻng báo động nhưng không ai nghe thấy, gọi điện thì mất điện, không ai nghe máy…

Đại biểu Trần Thị Dung tiếp tục tranh luận: “Việc xả lũ bất ngờ, xả lũ không báo trước, như thủy điện Hố Hô, An Khê vừa rồi. Vậy quy trình đúng hay sai và sẽ xử lý như thế nào?”. Bộ trưởng Công thương cho rằng, khi xả lũ thủy điện Hố Hô, chủ đập gọi điện cho lãnh đạo địa phương nhưng không nghe máy, cho nên địa phương không có được sự phối hợp. Tuy nhiên, đánh giá tổng thể quy trình xả lũ thủy điện thì có những vấn đề cần rút kinh nghiệm về bảo đảm an toàn hạ du. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt các quy trình xả lũ, cũng như quy định pháp lý liên quan bảo đảm an toàn cho địa phương khi thực hiện xả lũ của thủy điện.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) và một số đại biểu đề nghị, Bộ trưởng Công thương có biện pháp xử lý triệt để tình trạng phân bón giả hoành hành hiện nay. Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tổ chức kiểm tra và phát hiện sai phạm tại hai tổ chức được quyền chứng nhận, xác nhận về phân bón, đã ban hành quyết định hủy bỏ chức năng, giấy phép của hai tổ chức này. Sắp tới, Bộ tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, không phù hợp, xây dựng hệ quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia để bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng và bảo vệ môi trường. Trước mắt, hoàn thiện 16 bộ quy chuẩn quốc gia về phân bón để gửi Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý chặt chẽ lĩnh vực này, cũng như giao cho các địa phương kiểm tra xử lý các sai phạm.

Tham gia giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề về quản lý phân bón.

Trả lời chất vấn của một số đại biểu QH về chính sách đột phá phát triển ngành ô-tô theo định hướng đầu tư của Nhà nước, Bộ trưởng Công thương cho biết: Nước ta đã có mục tiêu chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô đến năm 2020. Một trong những mục tiêu quan trọng là tăng dần tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất ô-tô. Tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa đạt mục tiêu đề ra. Có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là quá trình thực hiện đã không thu hút được nguồn lực, ngành công nghiệp phụ trợ không phát triển được. Chuyển giao công nghệ trong công nghiệp sản xuất ô-tô còn nhiều hạn chế và thực tế chưa có cơ chế chính sách để thực hiện. Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương cùng các bộ, ngành liên quan đang tiếp tục hoàn chỉnh Chiến lược phát triển công nghiệp ô-tô, trong đó chú trọng tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới thị trường ô-tô trong nước. Hiện nay, đang có một số dự án lớn về công nghiệp ô-tô của doanh nghiệp trong nước và ngoài nước được hoàn thiện, hy vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Nhiều đại biểu QH đặt câu hỏi về công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, trong đó có thực trạng phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả tràn lan… Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận: Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thời gian qua, các lực lượng chức năng, trong đó có quản lý thị trường, đã triển khai nhiều hoạt động ngăn chặn, đấu tranh gian lận thương mại ngay từ biên giới đến thị trường trong nước. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Theo Bộ trưởng Công thương, các cơ quan liên quan cần xác định rõ chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, chỉ một lực lượng chức năng không thể chống, xử lý thành công.

Về vấn đề quản lý bán hàng đa cấp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện nay đã bộc lộ một số vấn đề về khung pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa rạch ròi; Bộ đã ban hành hai chỉ thị, cùng các địa phương kiểm tra, rút giấy phép 25 doanh nghiệp, xử phạt 14 doanh nghiệp đã đề nghị sửa đổi Nghị định 42 về bán hàng đa cấp theo hướng thắt chặt hơn, đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ lĩnh vực này.

Nhận xét phần chất vấn của các đại biểu QH và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Các đại biểu QH đã đặt các câu hỏi thẳng thắn, sát thực tiễn, có sự tranh luận sôi nổi. Bộ trưởng lần đầu đăng đàn QH nhưng đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH rõ ràng, lưu loát. Bộ trưởng đã nắm vững, hiểu rõ những vấn đề bức xúc thuộc ngành mình quản lý. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng chưa rõ về trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Chủ tịch QH đề nghị, Bộ trưởng nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu QH, qua đó tham mưu cho Chính phủ giải pháp xử lý, khắc phục những công trình kém hiệu quả; rà soát những dự án liên quan bảo vệ môi trường và ảnh hưởng sức khỏe của nhân dân; làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; tổng rà soát quy trình xả lũ, khắc phục triệt để các sự cố, gây thiệt hại cho cuộc sống của người dân; tăng cường đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

Khắc phục những hạn chế trong bảo vệ môi trường

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Trần Hồng Hà đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH.

Bộ trưởng nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu QH về thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn, ở các khu công nghiệp, các làng nghề. Về nội dung này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường đã và đang diễn ra phức tạp ở khu vực nông thôn và các khu công nghiệp. Đáng lo lắng hơn khi nhiều làng nghề và các khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải, rác thải, hoặc nếu có thì chưa đạt yêu cầu. Theo Bộ trưởng, để xử lý hiệu quả vấn đề đang gây bức xúc này rất cần sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của nhiều bộ, ngành liên quan, nhất là các địa phương. Trước mắt, cần đưa các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới vào thực tế cuộc sống. Cần triển khai hướng dẫn người dân phân loại rác thải đến từng hộ gia đình để bảo đảm xử lý thuận lợi hơn, qua đó nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hằng ngày.

Trả lời câu hỏi của một số đại biểu về trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường, trong đó có trách nhiệm giám sát hoạt động xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau khi gây sự cố môi trường biển các tỉnh miền trung, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Việc xác định trách nhiệm của bộ, ngành ở T.Ư hay địa phương khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể, có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Để làm rõ được vấn đề này cần có những quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, bảo vệ môi trường. Trong thực tế, các cơ quan T.Ư không thể quản lý và không thể xử lý tất cả các sự cố về môi trường xảy ra ở các địa phương. Trong quá trình xét duyệt các dự án đầu tư, các cơ quan liên quan cần đặc biệt quan tâm đánh giá tác động môi trường. Đây là quá trình cần được triển khai thực hiện kỹ lưỡng, công khai, bài bản và bảo đảm tính khoa học, chính xác. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để nắm chắc, nắm rõ các vấn đề liên quan bảo vệ môi trường ngay từ khâu lập dự án…

Liên quan công tác giám sát, kiểm tra hoạt động xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay, mọi hoạt động xả thải của công ty này đang được kiểm soát chặt chẽ bằng những thiết bị hiện đại do các cơ quan chức năng của Nhà nước và tỉnh Hà Tĩnh quản lý. Ngoài ra, các cơ quan chức năng đang triển khai xây dựng hệ thống giám sát môi trường biển các tỉnh miền trung, bảo đảm theo dõi chặt chẽ các hoạt động xả thải.

Đề cập những nội dung được nhiều cử tri và đại biểu QH quan tâm, liên quan các dự án lớn tác động môi trường tại các địa phương thời gian qua, đại biểu Đàm Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phản ánh: Các điều kiện cấp phép hoạt động đã được đánh giá tác động môi trường do Bộ TN và MT thực hiện. Tuy vậy, đã xảy ra nhiều trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt vụ việc ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh miền trung gây bức xúc và thiệt hại đối với người dân. Như vậy, Bộ TN và MT quản lý và tổ chức đánh giá tác động môi trường như thế nào, liệu có hạn chế, bất cập, tiêu cực gì không? Bộ đã thẩm định, kiểm tra về vận hành thử nghiệm và trong quá trình hoạt động như thế nào? Tình hình và kết quả thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, và quan trọng hơn, khi các vấn đề được phát hiện thì xử lý thế nào trong thời gian qua? Có hay không vấn đề buông lỏng quản lý dẫn đến tình trạng chậm phát hiện, chậm xử lý?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, thời gian qua, phối hợp các bộ, ngành chức năng, Bộ TN và MT đã thực hiện các giải pháp chấn chỉnh các sai phạm vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra. Một trong những hạn chế cần giải quyết là sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế, chính sách, pháp luật thật thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Theo đó, đề ra những quy định cụ thể, rõ ràng về các điều kiện bảo đảm môi trường đối với các dự án, nhà máy, yêu cầu về điều kiện trình độ công nghệ, quy trình công nghệ xử lý môi trường, về quá trình thi công và vận hành thử... chặt chẽ hơn, gắn trách nhiệm các chủ thể liên quan. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, bộ, ngành, địa phương cũng cần được tăng cường hơn nữa, phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, để thực hiện đạt hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát các công trình, dự án quy mô lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn khoa học, kỹ thuật chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực và nguồn lực, thiết bị, công nghệ hiện đại tương xứng.

Nhiều đại biểu bày tỏ lo lắng, quá trình quy hoạch các dự án lớn có thể tác động tiêu cực hệ sinh thái, nguồn nước tại các con sông lớn, ảnh hưởng đời sống người dân. Về vấn đề này, Bộ trưởng TN và MT khẳng định, thời gian qua, đánh giá tầm quan trọng của các khu vực sông lớn trong cả nước, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đã triển khai các chương trình đánh giá tác động cụ thể. Từ đó, quy hoạch tổng thể quá trình khai thác nguồn nước, qua đó làm cơ sở khoa học để phân bổ nguồn nước cho nhiều mục đích khác nhau. Bên cạnh đó, đưa ra các phương pháp đánh giá quy chuẩn về môi trường, thông qua việc rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề, khu công nghiệp, công trình, nhà máy..., thẩm định thực trạng công nghệ tại các dự án, đưa ra các biện pháp kiểm tra chặt chẽ, quy định trách nhiệm rõ ràng. Bộ trưởng nêu rõ: Quy trình vận hành xử lý môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, bảo đảm tất cả các khâu được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, giảm đến mức thấp nhất các khả năng gây ra sự cố môi trường.

Chung quanh chất vấn của đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Nguyễn Tuấn Anh (Long An)... về các biện pháp ứng phó trước kịch bản biến đổi khí hậu và thực trạng nước biển dâng nhanh hơn, ảnh hưởng đời sống người dân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Hiện nay Bộ TN và MT được Chính phủ giao thực hiện quan trắc tại một số địa phương. Qua đó, khảo sát, đánh giá cụ thể, khoa học và đưa ra kết quả ban đầu về một số nguyên nhân của quá trình kiến tạo địa chất, quá trình phát triển đô thị và tác động từ quá trình sử dụng nguồn nước ngầm quá mức, đề ra các biện pháp giải quyết tích cực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, vùng, miền theo hướng bền vững, thân thiện môi trường.

Trong phiên trả lời chất vấn tại hội trường sáng 16-11, Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời, làm rõ các nội dung liên quan lĩnh vực phụ trách được các đại biểu QH chất vấn.

Cần tiếp tục rà soát, kiểm tra các công trình kém hiệu quả thuộc ngành mình quản lý, đó là các công trình đã, đang và sẽ triển khai thực hiện. Trong đó tập trung chỉ đạo và có biện pháp xử lý sớm các dự án sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đại biểu Nguyễn Tạo - (Lâm Đồng)

Những dự án công, thua lỗ, không hiệu quả, thất thoát thì chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai. Thậm chí, những dự án đầu tư càng lớn, doanh nghiệp xếp hạng càng cao khi thua lỗ, những người liên quan quản lý vẫn được hưởng mức lương cao theo thang bậc lương của các doanh nghiệp xếp hạng.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - (TP Hà Nội)

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã phát hiện gần 40.000 vụ vi phạm về phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhưng con số này chưa thấm vào đâu so với lượng phân bón giả, phân bón kém chất lượng hằng ngày tuồn ra thị trường, mặc dù lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đại biểu Võ Đình Tín - (Đắc Nông)

PV/NDĐT

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn