“Bông trang đỏ”
Cập nhật ngày: 04/07/2012 06:50:57
“Bông trang đỏ” là tên của một bài ca vọng cổ được trích trong tập ca cổ chủ đề “Theo dấu chân son” của tác giả - NSUT Thanh Tùng, do Trung tâm Văn hóa tỉnh Đồng Tháp phát hành năm 1996. Bài ca vọng cổ này thường được các đài phát thanh trong và ngoài tỉnh phát sóng để phục vụ khán giả nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sĩ 27-7 hàng năm.
Ngôn ngữ giản dị cùng một số làn điệu âm nhạc cải lương và dân ca Nam bộ như ngâm, nói lối, ca lý lu là, ca vọng cổ, bài ca vọng cổ “Bông trang đỏ” đã nói lên được phần nào tấm lòng của người dân Đồng Tháp - trong đó có tác giả đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho quê hương, đất nước.
Tác giả - NSUT Thanh Tùng chia nội dung bài ca vọng cổ “Bông trang đỏ” ra thành nhiều giai đoạn nhằm giúp cho người ca, người nghe dễ dàng tiếp thu được nội dung của tác phẩm: “Tuổi thơ ấu anh là con của mẹ. Từ kiếp tôi đòi anh hóa thành biển cả tình thương. Xông lướt diệt thù anh là dũng sĩ của quê hương. Đời dâng trọn tuổi xuân anh đã hóa thành chân lý”.
Nội dung “Bông trang đỏ” như một lời tâm sự của người còn sống - tác giả đối với người đã chết - anh hùng liệt sĩ, khi quê hương còn chìm trong bóng đen. Hai người bạn cùng lên đường tham gia kháng chiến, trăm trận diệt thù, một người đã ngã xuống hôm qua: “Anh yên nghĩ bên nghĩa trang liệt sĩ. Đài vinh quang của Tổ quốc thành đồng. Bên mồ anh nở cụm trang hồng. Màu máu anh hùng hay sắc cờ Tổ quốc?”.
Người ngã xuống dâng trọn tuổi xuân cho quê hương đất nước, nhưng trách nhiệm của người ở lại phải tham gia vào trận đánh mới, xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, đổi mới: “Thấy không anh, khói lò cao như tóc bồng trong nắng, lúa thẳng hàng dàn thế trận đến mùa vui. Nước xuôi dòng trên kênh mới xôn xao, đường hạnh phúc vươn dài theo đất nước. Có phải không, mỗi giọt máu hùng anh tuôn đổ, là nhựa sống sinh sôi trong lòng đất lên mầm. Có nắng xuân nào đẹp như nắng xuân nay, khi cả nước đi lên dựng xây mùa xuân thắng Mỹ...”.
Bài ca vọng cổ “Bông trang đỏ” dạt dào tình cảm, có tính giáo dục cao, ca từ và làn điệu âm nhạc cải lương gần gũi, người nghe dễ dàng tiếp thu tác phẩm. Bài ca nói lên được sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, trách nhiệm của người còn sống, đồng thời là động lực cho thế hệ trẻ hôm nay học tập, phấn đấu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bá Thảo