“Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia

Cập nhật ngày: 15/03/2023 09:27:50

ĐTO - Thị trấn Cao Lãnh, quận Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong được chọn làm điểm tập kết quân của khu vực Đồng Tháp Mười để đưa tiễn hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc. Đây là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của tỉnh Đồng Tháp nói riêng và cả nước nói chung có ảnh hưởng mang tầm quốc tế. Vì thế, “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” - tọa lạc Khóm 6, Phường 6, TP Cao Lãnh vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.


“Điểm tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” - nơi đưa tiễn hàng chục ngàn bộ đội, cán bộ, học sinh, quân tình nguyện… của nhiều tỉnh xuống tàu ra Bắc với tinh thần “Đi vinh quang - Ở anh dũng”

Theo một số tài liệu, Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu đã dẫn đến ký kết Hiệp Định Giơ-ne-vơ về việc đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 về Việt Nam có 3 điểm tập kết chuyển quân. Thị trấn Cao Lãnh, quận Cao Lãnh (tỉnh Kiến Phong) được chọn là điểm tập kết 100 ngày của Khu Trung Nam Bộ (Khu 8) để chuyển 13.508 cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam rời quê hương xuống tàu tập kết ra Bắc. Đây là sự kiện không những có tầm vóc Quốc gia mà còn có ý nghĩa quốc tế. Hiệp định Giơ-ne-vơ cùng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược. Hòa bình được lập lại, miền Bắc được giải phóng, chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, khôi phục kinh tế, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp giải phóng miền Nam.

Việc đưa di tích “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” vào danh mục kiểm kê, khoanh vùng bảo vệ cũng như xây dựng công trình lưu niệm và công trình phát huy giá trị di tích, nhất là tượng đài tập kết ra Bắc năm 1954 tại Phường 6, TP Cao Lãnh, nhằm ghi dấu sự kiện quan trọng của đất nước trong công cuộc đấu tranh chống xâm lược. Công trình tượng đài không chỉ ghi dấu sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh mà còn là một tác phẩm mỹ thuật với nhiều chi tiết, biểu trưng và biểu tượng mang tính thẩm mỹ có giá trị nghệ thuật cao.

Qua đó, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ và Nhân dân Đồng Tháp trong giai đoạn hiện nay đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh gian khổ để ra Bắc học tập, công tác, xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước cho thế hệ mai sau. Với ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của sự kiện chuyển quân tập kết năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị cũng như được sự hỗ trợ kinh phí của các tỉnh, thành: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Tiền Giang, Long An, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh tổ chức xây dựng công trình tượng đài kỷ niệm sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh.

Hiện tại, tổng thể công trình Di tích lịch sử “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” được xây dựng gồm nhiều hạng mục: Tượng đài và phù điêu, bờ kè, sân lễ đài, đường nội bộ, hoa viên cây xanh, hồ nước, cấp điện chiếu sáng. Nhìn chung, “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” có ý nghĩa lịch sử, chính trị, văn hóa to lớn ghi lại dấu ấn sự kiện tập kết chuyển quân ra Bắc năm 1954, là “Địa chỉ đỏ” góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đây cũng là nơi tham quan, học tập, sinh hoạt truyền thống cho học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang, người dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, với vị trí địa lý thuận lợi cả về giao thông thủy, bộ.

Trong tương lai, “Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh” sẽ trở thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng, điểm dừng chân của tuyến du lịch thủy nội địa và quốc tế: Tiền Giang - Phnôm Pênh, Cần Thơ - Phnôm Pênh, Cần Thơ – Hồng Ngự... góp phần quảng bá hình ảnh tỉnh Đồng Tháp – Đất Sen hồng đến bạn bè trong và ngoài nước.

DŨNG CHINH

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn