Dâng hương tưởng niệm 64 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma

Cập nhật ngày: 14/03/2023 05:14:54

Tối 13/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo (14/3/1988 - 14/3/2023).

Tới dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng hàng trăm người có mặt tại Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma.


Anh Nguyễn Tiến Xuân đến thắp nhang cho cha là liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong

Dù buổi lễ 18 giờ mới diễn ra nhưng từ chiều, hàng trăm người khắp mọi miền đất nước đã về khu tưởng niệm thắp nhang, tưởng nhớ các liệt sĩ, trong đó có nhiều thân nhân, vợ, con của các liệt sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma.

Có mặt tại khu tưởng niệm từ sớm, anh Nguyễn Tiến Xuân, con trai liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, đến ngay khu mộ gió thắp nén nhang cho cha. “Tôi cũng là lính hải quân và thường xuyên đi qua đảo Gạc Ma, nơi bố hy sinh. Mỗi lần qua đây, tôi cảm thấy bố vẫn dõi theo từng bước chân của con”, anh Xuân nói và cho biết rất xúc động khi đến khu tưởng niệm thấy hàng trăm người đến đây thắp nhang tưởng nhớ cha của anh và các đồng đội đã ngã xuống ở Gạc Ma.

Còn ông Nguyễn Văn Tiến cùng vợ từ Phú Yên vào Khánh Hòa đến khu tưởng niệm để thắp nhang cho 64 liệt sĩ chiều 13/3. “Mình đọc và nghe rất nhiều về các anh, nhưng đến đây coi hết những di ảnh, di vật của 64 liệt sĩ mới cảm nhận hết sự anh dũng, kiên cường của các chiến sĩ đã đổ xương máu bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc”, ông Tiến chia sẻ.

Đúng 18 giờ, buổi lễ diễn ra trong không khí trang nghiêm. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nguyên Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Khánh Hòa dâng hương, thắp nén nhang trước anh linh 64 liệt sĩ đã hy sinh trên đảo Gạc Ma.

Cách đây 35 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.

Cuộc chiến đấu rạng sáng ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma đã đi vào lịch sử dân tộc, là một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa vào biển mặn, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 2,5 ha, với kinh phí khoảng 150 tỷ đồng, khánh thành vào tháng 7/2017. Nơi đây lưu giữ nhiều di ảnh, bút tích của các chiến sĩ cũng như diễn biến trận chiến rạng sáng 14/3/1988 trên đảo Gạc Ma. Công trình gồm cụm tượng đài Những người nằm lại phía chân trời; khu trưng bày hiện vật về biển đảo, kỷ vật của 64 chiến sĩ; quảng trường Hòa Bình; khuôn viên cây cảnh... Những năm qua, khu tưởng niệm đã trở thành một địa chỉ đỏ, biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước, tình yêu biển đảo quê hương.

Dưới đây là một vài hình ảnh tại buổi lễ tưởng niệm:


Hàng trăm người đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma chiều 13/3


Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thắp nhang, tưởng niệm tại Khu tưởng niệm Gạc Ma


Ông Trương Hòa Bình - nguyên Phó Thủ tướng thắp nhang, tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma


Lễ thả hoa đăng tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma


Người dân, du khách tham quan khu trưng bày di vật, ảnh của các chiến sĩ Gạc Ma


Vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến từ Phú Yên vào Khánh Hòa thắp nhang cho các liệt sĩ

Theo LÊ KIÊN (SGGP)

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn