“Về với cội nguồn” - Tập ca khúc đầu tay của Thành Nhơn
Cập nhật ngày: 07/06/2022 06:05:03
Đây là tập sách đầu tay gồm 57 ca khúc, tuyển chọn từ nhiều tác phẩm của gần một đời hoạt động, sáng tạo, dâng hiến trong lĩnh vực âm nhạc của tác giả Thành Nhơn.
Cũng giống như Nguyễn Tùng - tác giả tập ca khúc đầu tay “Về với Tháp Mười”, Thành Nhơn đã từng 2 lần đạt giải Cuộc thi ca khúc Đồng bằng sông Cửu Long (giải Ba năm 2018 và giải Khuyến khích năm 1999) và nằm trong số 6 tác giả của Đồng Tháp từng đạt giải cuộc thi này (còn có: Thai Sắc; Võ Xuân Hùng; Lê Quang Thịnh; Thanh Hà).
Nhìn một cách khái quát, ca khúc của Thành Nhơn trong “Về với cội nguồn” nói riêng và toàn bộ sáng tác nói chung, ngoài một số đề tài như ca ngợi Tổ quốc, Đảng, lãnh tụ; phản ánh những vấn đề lớn của cộng đồng, xã hội... tác giả thường tập trung khai thác hai mảng đề tài “ruột”, đó là: quê hương Đồng Tháp với con người cùng cảnh sắc thấm đẫm tình yêu thương và hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ, trong và sau cuộc chiến. Lý giải điều này không khó, bởi như mọi tác giả khác, Thành Nhơn yêu thương, gắn bó với quê hương, muốn viết về quê hương mình một cách say đắm, chân thực nhất; đồng thời, anh vốn là người lính từng ra trận chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, khi trở về với tư cách một cựu chiến binh, ký ức của những năm tháng hào hùng trên chiến trận mãi bừng lên trong tâm trí và trên từng dòng nhạc.
Với mảng đề tài thứ nhất, trước hết, chỉ nêu tên một số ca khúc thôi, độc giả, thính giả cũng đã phần nào cảm nhận rõ ý tưởng đã nêu: “Chiều Mỹ Long”; “Dư âm Gò Tháp”; “Đêm sông Tiền em mơ chốn đảo xa”; “Đồng Tháp quê tôi”; “Đường về Tháp Mười”; “Tam Nông quê tôi”; “Về lại Tràm Chim”; “Về thăm thành phố Sen hồng”; “Về với Lai Vung”; “Xẻo Quýt - một lần về”...
Cảm hứng bao trùm, lan tỏa trên tất cả những ca khúc viết về quê hương của Thành Nhơn là tấm lòng thiết tha yêu thương con người, cảnh sắc, truyền thống lịch sử - văn hóa... được thể hiện bằng những giai điệu, tiết tấu, ca từ... thấm đẫm sắc thái ngợi ca, tôn vinh. Quê hương là những địa chỉ cụ thể, thân thuộc nhưng vô cùng nên thơ, mỗi ngày một mới lạ, hấp dẫn, khó có nơi nào sánh bằng: “Về Sa Đéc biết bao điều gợi nhớ. Trời quê hương trong sắc nắng làng hoa. Lòng rộn vui yêu thiết tha quê nhà. Triệu tấm lòng đang chung sức dựng xây” (“Quê hương tôi yêu”). Không thể tươi đẹp, hiền hòa, hạnh phúc hơn những dòng đặc tả sau đây về quê hương: “Mời anh về quê em Đồng Tháp Mười ruộng lúa phì nhiêu. Mời anh về Tràm Chim nơi đồng xanh sếu bay theo đàn. Mình lại về bên nhau cùng thiên nhiên sống vui yên bình”(“Yêu lắm quê tôi”)...
Với tư cách cựu chiến binh, khi viết về một thời chiến tranh vệ quốc của đất nước ta, Thành Nhơn đã có cách tiếp cận, khai thác, diễn tả vừa chân thực, cụ thể, vừa bay bổng, khơi gợi. Xin nêu tên một số ca khúc viết về mảng đề tài này của Thành Nhơn như là một ví dụ minh họa bước đầu: “Bên tượng đài Chiến thắng”; “Dòng kênh ghi mãi chiến công anh”; “Đêm sông Tiền, em mơ chốn đảo xa”; “Hát về anh - người thương binh”; “Trên dòng kênh lịch sử”; “Trở lại Tây Nam”; “Với Trường Sa thân yêu”...
Cảm hứng rõ nhất trong mảng đề tài này của Thành Nhơn là tình cảm tự hào, biết ơn, ngợi ca luôn dâng lên mãnh liệt trong giai điệu, tiết tấu, ca từ. Nếu ở ca khúc “Bên tượng đài Chiến thắng”, Thành Nhơn thể hiện một cách hào hứng, xúc động về lịch sử oai hùng của một trận đánh lẫy lừng, cũng như chiến thắng của cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước: “Ơi, Giồng Thị Đam, đây Gò Quản Cung. Tượng đài Chiến thắng sừng sững uy nghi trong nắng thanh bình, mãi còn dư âm lừng vang chiến công” thì trong bài hát “Dòng kênh ghi mãi chiến công anh”, Thành Nhơn đã đưa độc giả, thính giả trở lại một thời oanh liệt bằng những dòng hồi tưởng, rạo rực, giàu khơi gợi: “Trở lại dòng kênh xanh giữa mênh mông Đồng Tháp. Dòng nước êm đềm trôi theo tháng năm vơi đầy. Có một thời dậy sóng, có một thời bình yên. Có anh người chiến sĩ đánh tàu giặc chìm sâu”...
Với riêng tôi, “Đêm sông Tiền, em mơ chốn đảo xa” của Thành Nhơn - đạt giải Cuộc thi Ca khúc đồng bằng sông Cửu Long - không chỉ là một bài hát hay, vừa trữ tình, vừa hùng tráng, mà còn là một tác phẩm tiêu biểu kết hợp một cách nhuần nhị, tài hoa hai mảng đề tài “ruột” nói trên của anh. Đây là một ca khúc rất cần phổ biến, lan tỏa không chỉ trong tỉnh Đồng Tháp mà rộng ra cả vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước.
Về phương diện âm nhạc, ca khúc của Thành Nhơn, tuy chú ý vận dụng âm nhạc dân gian, nhất là các làn điệu hò, lý của Đồng Tháp và Nam Bộ, song bao giờ cũng tiết chế trong một liều lượng có thể chấp nhận được. Thành Nhơn không đưa phong vị dân ca vào ca khúc của mình một cách lạm dụng, thái quá. Điều làm nên chất riêng của Thành Nhơn, đó là, ca khúc của anh thường có khuynh hướng triển khai giai điệu, tiết tấu một cách trẻ trung, hiện đại. Thành Nhơn không quá cầu kỳ trong lựa chọn nhịp điệu cho ca khúc, dù giọng nhạc hiển hiện trên hóa biểu là khá phong phú. Năm mươi bài ca khúc của Thành Nhơn hầu hết được viết theo nhịp 2/4 (52 bài) - một loại nhịp thông dụng, quen thuộc, gần gũi với sinh hoạt ca hát của cộng đồng.
Như nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc hiện nay ở Đồng Tháp nói riêng, cả nước nói chung, Thành Nhơn thường chọn kết cấu, bố cục tác phẩm theo thể đơn, gọn. Bố cục hầu hết các ca khúc trong “Về với cội nguồn” của Thành Nhơn thường theo thể hai đoạn A,B, cũng như thường sử dụng motif A,A... hay B,B... trong mỗi đoạn. Đoạn B có thể vừa là điệp khúc, vừa là cao trào của ca khúc.
Với hiểu biết chưa thật sâu sắc và toàn diện của mình, nếu có thể làm một so sánh nhỏ, tôi vẫn mạnh dạn và mạo muội cho rằng, Thành Nhơn là một trong không nhiều tác giả có chất nhạc tươi trẻ, hiện đại hàng đầu trong giới sáng tác ca khúc của Đồng Tháp đương đại.
Giống như các tác giả Chí Cao, Ngọc Quỳnh, Ngọc Duệ...,Thành Nhơn rất xứng đáng trở thành hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nếu không “vướng” vào tiêu chí phải có bằng đại học chuyên ngành âm nhạc hoặc tương đương. Cũng chẳng sao, với tư cách một tác giả chuyên viết ca khúc thành công, trong lòng khán giả, thính giả, Thành Nhơn vẫn mãi xứng danh là một nhạc sĩ - nhạc sĩ của Nhân dân, của quê hương và của cội nguồn.
THAI SẮC