Âm điệu ca dao trong thơ của tác giả Đồng Tháp

Cập nhật ngày: 06/03/2013 05:24:32

Âm điệu ca dao trong thơ của các tác giả Đồng Tháp thể hiện rõ chất mộc mạc, bình dị mà ngọt ngào, đằm thắm, tạo nên thi vị riêng vừa nhẹ nhàng, vừa sâu lắng. Mỗi trang thơ của các tác giả Đồng Tháp như: Thai Sắc, Đỗ Ký, Hữu Nhân, Thu Nguyệt, Bạch Phần,... đều ít nhiều mang âm điệu ca dao.

Nhà thơ Thai Sắc mang vào trong thơ âm điệu của lời ru à ơi ngàn đời của dân tộc:

“Bài ca dao ta ru em vụng dại/Thờ ơ bay trong gió máy quê nhà/Em đã nghe và bây giờ còn nhớ/Bấy nhiêu lời mộc mạc ngây thơ” (Ta vẫn ru em như ngày xưa)

Lời của nhân vật trữ tình là lời ru, rất đỗi chân quê, mộc mạc. Chút “vụng dại”, quê mùa cùng chút “thờ ơ” làm nên cái duyên cho bài thơ, gần gũi, thân quen nhưng không khỏi làm lòng người xao động.

Nhiều nhà nghiên cứu văn học chỉ ra mối quan hệ giữa ca dao và thơ ca Việt Nam hiện đại. Đó là một quá trình tiếp biến của văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Các nhà thơ hiện đại đã biết vận dụng những chất liệu cùng ngôn từ, giọng điệu của ca dao để làm cho những bài thơ hiện đại gần gũi hơn với bạn đọc. Rất dễ nhận ra trong một bài thơ của Đỗ Ký chất liệu ca dao quen thuộc đó.

“Mình về có nhớ ta chăng?/Câu ca ấy ở Giồng Găng chợt trần/Nông trường anh dẫu xa xăm/Mấy sông núi cũng dễ tầm, mến yêu” (Khúc hát Giồng Găng)

Đỗ Ký đã sử dụng rất thành công cặp từ xưng hô “mình”, “ta” trong ca dao. Bằng lối dẫn dắt quen thuộc, tác giả đưa bạn đọc về với những câu ca dao xưa:

“Mình về có nhớ ta chăng/Ta về ta nhớ hàm răng mình cười”

Hữu Nhân với tình yêu buồn man mác cũng đã hiện lên chất ca dao:

“Người ru câu đợi câu chờ/Sao ngày xưa người xuống đò sang sông.../Lời ru giờ hóa ngọt ngào/Đắng cay xin nhận hết vào phần ta” (Nghe người yêu cũ ru con)

Lời trách móc nhưng rất nhẹ nhàng, “sang sông” làm cho người đọc hiểu được nỗi buồn không quá tuyệt vọng. Và chấp nhận “Lời ru giờ hóa ngọt ngào/Đắng cay xin nhận hết vào phần ta”. Nhà thơ Thu Nguyệt lại vận dụng theo lối hát của ca dao - dân ca thành những lời hát ru trong thơ:

“Ví dầu, ví dẩu... à ơi.../Đá ngủ như đá, ta ngồi như ta/Kiếp phù du, giấc phù hoa/Lấy ai ru đá giùm ta sau này?!” (Ru đá)

Hay: “Ai ngồi hát sáo sang sông/Không ai tháo cũi sổ lồng vẫn bay/Tôi nuôi sáo ngửa bàn tay/Sáo đi về, sáo đậu bay mặc lòng/Bởi vì sáo thích sang sông/Chẳng cần tháo cũi sổ lồng vẫn sang” (Đừng...)

Với cảm xúc chân thành, pha lẫn chút buồn man mác và thêm vào đó tính triết lý trong tình yêu có sự phản bội “Không ai tháo cũi sổ lồng vẫn bay”. Hình ảnh con chim sáo “sổ lồng” đã xuất hiện trong ca dao ngàn xưa, Thu Nguyệt đã mượn hình ảnh con chim sáo để tự nhủ với chính mình.

Bằng âm điệu ca dao quen thuộc, các tác giả thơ Đồng Tháp đã vận dụng khéo léo vào thơ để tạo nên nét riêng. Đó là chất dân dã, mộc mạc, chân tình, đằm thắm, gợi cho người đọc sự gần gũi, yêu thương rất đỗi tự nhiên.

Dương Út

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn