Nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"

Cập nhật ngày: 27/02/2013 06:38:51

Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) năm 2012 được tỉnh Đồng Tháp quan tâm triển khai, phát triển đều khắp trên địa bàn tỉnh với chất lượng ngày càng được nâng cao.


Nhà Văn hóa - Trung tâm học tập cộng đồng xã Đốc Binh Kiều
(Tháp Mười) được đầu tư xây dựng mới

Về tổ chức, hệ thống Ban Chỉ đạo (BCĐ) các cấp và Ban Vận động (BVĐ) phong trào ở khu dân cư thường xuyên được củng cố, kiện toàn và bổ sung quy chế làm việc kịp thời đã giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo và vận động phong trào được thuận lợi. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, phong trào TDĐKXDĐSVH được chú trọng cả chiều sâu lẫn chiều rộng, với nhiều hình thức như: tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền thông qua Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đồng thời phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa như: câu lạc bộ văn nghệ quần chúng, hát với nhau, đờn ca tài tử,... từng bước nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện phong trào.

Song song đó, công tác tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ các ấp và tổ trưởng Tổ Dân phòng khuyến học trên địa bàn tỉnh được tăng cường góp phần khắc phục được bệnh thành tích, chạy theo số lượng trong thực hiện phong trào, nhất là trong bình xét gia đình văn hóa.

Kết quả thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, đến cuối năm 2012, qua bình xét toàn tỉnh có 362.853/418.073 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 86,79%; có 601/692 khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 86,85%; có 70/144 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 48,61% và 1.492/1.553 đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa. Trong phong trào rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ, toàn tỉnh có 83.020 hộ được công nhận gia đình thể thao, đạt tỷ lệ 19,85%; có 501.813 người thường xuyên luyện tập thể thao, đạt tỷ lệ 29,90%.

Bên cạnh đó, việc thực hiện xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ cưới, tang và lễ hội đã có chuyển biến tích cực. Phần lớn việc cưới diễn ra đúng luật, tiết kiệm, nghiêm túc; việc tang có nhiều tiến bộ, bỏ nhiều hủ tục lạc hậu; các lễ hội hạn chế được tình trạng mê tín dị đoan và đề cao tinh thần ngưỡng mộ các vị tiền nhân, tôn vinh các di tích, sự kiện lịch sử cách mạng của dân tộc.

Ngoài ra, việc thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH đã nâng ý thức vươn lên làm giàu chính đáng, giảm được hộ nghèo. Tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng được phát huy. Qua vận động xã hội hóa, người dân đã đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi địa phương; đóng góp để hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách tổng trị giá trên 392 tỷ đồng, tăng 247 tỷ đồng so với năm 2011.

Qua phối hợp liên ngành trong xây dựng phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với phong trào "Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc" đã nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân trong đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, tham gia giao thông an toàn...

Có thể nói phong trào TDĐKXDĐSVH đã mang lại nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và tích cực thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tuy nhiên, trong thực hiện phong trào vẫn còn một số hạn chế. Một số nơi lãnh đạo địa phương thiếu quan tâm kiểm tra, đôn đốc trong thực hiện phong trào nên chất lượng còn thấp; trong bình xét gia đình văn hóa, ý kiến đóng góp, phê bình trong nội bộ nhân dân và đóng góp cho chính quyền còn hạn chế.

Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, đáng chú ý độ tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa hoặc các đối tượng lợi dụng trẻ em phục vụ cho hành vi phạm tội vẫn còn. Một bộ phận nhân dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Công tác tuyên truyền có nơi, có lúc chưa thường xuyên để phát huy vai trò tác động của phong trào đến đời sống xã hội một cách toàn diện...

Thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, trong năm 2013 tỉnh Đồng Tháp sẽ tập trung nâng cao chất lượng xây dựng "Gia đình văn hóa"; "Khóm, ấp văn hóa"; "Xã, phường, thị trấn văn hóa"; "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa". Tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, góp phần đẩy lùi tội phạm và các tệ nạn xã hội.

Trong thực hiện sẽ gắn kết và phát huy vai trò của phong trào với chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; đồng thời thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn mới. Tỉnh sẽ phấn đấu có 85% khóm, ấp và gia đình đạt văn hóa; có 45% xã, phường, thị trấn đạt văn hóa và 95% đơn vị được công nhân văn hóa.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngoài việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trong thực hiện phong trào, tỉnh Đồng Tháp sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân; tăng cường công tác tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho những cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và tăng cường việc rà soát, bổ sung, nâng cấp các tiêu chuẩn công nhận gia đình văn hóa, khóm, ấp, xã, phường, thị trấn văn hóa để từng bước nâng cao chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH.

Phú Thuận

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn