Mai giữa mùa...
Cập nhật ngày: 18/02/2013 04:09:17
Đô thị nhỏ và hầu như chưa có cao ốc. Vậy mà cũng chật chội với nhiều người. Các khu dân cư thì đường nội bộ ốm như... bông súng ma trên đồng lũ. Hiên nhà vài mét vuông cho dây leo xanh, dăm chậu hồng, lan, sao nhái... đã là quý lắm. Vậy mà Tết Nguyên đán hàng năm, thấy nhà nào trong phố cũng rước mai về nghinh xuân, cầu mong tài lộc, vinh hoa phú quý.
Nhà nhỏ, ít tiền thì mai cũng... nhỏ theo. Những cây mai vườn tự nhiên không cắt tỉa cũng dễ mua vì giá mềm. Giáp Tết, người phố đảo vài vòng chợ hoa là đã có thể chọn cho mình một cây ưng ý. Người nhà quê bán chúng đi, nhưng hình như gửi cả cái tình quê vào trong từng dáng cây, nụ biếc. Người phố hân hoan chở mai về nhà, sau lưng còn vương cái nhìn man mác của người chủ cũ...
Rồi Tết ồn ả cũng mau qua. Hành lang hẹp trả lại cho nhu cầu thường nhật, nên không thể giữ mai suốt năm trước cửa nhà như mong muốn. Người phố thèm màu xanh hoa lá - một nhu cầu cân bằng trong cuộc sống vốn dĩ ồn ả vây quanh. Thú vui tao nhã, tưởng chừng dễ thực hiện nhưng khó thành hiện thực đối với nhiều người.
Khi những cây mai bung những cánh hoa cuối cùng cũng là lúc chủ nhân của chúng tất tả tìm chỗ thuê người chăm sóc. Đằng đẵng gần năm sau chúng mới lại được về nhà. Thú vui chăm bón, nâng niu cây lá đành phó thác cho người khác...
Chiều qua, người hàng xóm bảo vừa đi thăm mai. Thấy anh vui lắm, ríu ran khoe cây sung, dáng đẹp nhờ công chăm của ông chủ vườn kiểng khéo tay. Nghe nói còn mổ gà làm mấy xị đế quắc cần câu mới về. Dường như những người cùng thú vui thường dễ gắn kết với nhau. (Nhưng niềm vui như bé hát của anh hàng xóm bị... cắt lát bởi cái nguýt dài của chị vợ!)
Qua mấy mùa Tết làm người kẻ chợ, nhà cũng có dăm cây mai nhỏ. Chúng cùng thân phận như mai nhà hàng xóm. Vậy mà hơn nửa năm rồi chưa tạt qua ngắm nghía chúng một lần. Công việc cứ lôi ngày trôi qua mau. Tự dưng nhớ ông chủ vườn bên con rạch ngoại ô. “Chú em mày gởi mai cho tao thì yên tâm. Tao cưng mai lắm, tưới nước sông không hà. Tết không trổ bông, tao đền cây khác cho chưng!” Giọng ông già chắc nịch, ngọt tình làng nghĩa xóm.
Hay là chiều nay ta vác “cần câu” đi ngoại ô một bữa? Ông già ơi, tui nhớ mai!
Đình Thảo