Niềm vui Ramsa

Cập nhật ngày: 14/02/2013 13:06:08

Vườn quốc gia Tràm Chim Có hệ sinh thái vô cùng phong phú của vùng đất ngập nước, nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ sinh thái đất ngập nước của vùng Đồng Tháp Mười cổ xưa.


Thu hoạch lúa ma - đặc trưng đất ngập nước Tràm Chim

Năm 2012, với sự kiện tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ công nhận khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về sinh học và bảo tồn) thứ 4 của Việt Nam và 2.000 của thế giới, Vườn Quốc gia (VQG) Tràm Chim càng có thêm cơ hội để bảo tồn hệ động thực vật đa dạng, góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường.

VQG Tràm Chim nằm trên địa bàn huyện Tam Nông, có diện tích trên 7.300ha, với hệ sinh thái vô cùng phong phú, đa dạng của vùng đất ngập nước. Nơi đây thường xuyên có khoảng 200 loài chim, chiếm 1/4 số loài chim tại Việt Nam với trên 20.000 cá thể đang sinh sống. Trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm trên thế giới như bồ nông, gà đãy Java... Đặc biệt, có loài đặc hữu là sếu đầu đỏ đang sinh sống tại đây với số lượng chiếm khoảng 60% trên tổng đàn sếu về di trú khu vực đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm.


Môi trường trong lành thu hút du khách đến tham quan

Bên cạnh đó, nơi đây còn có khoảng 130 loài thực vật gồm: bông súng, sen, cỏ ống, năng, lúa ma... thu hút hàng trăm loài động vật, trong đó có 198 loài chim nước, hàng chục loài cá.

Ngoài việc là nơi cư trú của hàng trăm loài chim, VQG Tràm Chim còn lưu giữ những đặc thù thiên nhiên của vùng Đồng Tháp Mười với nhiều khu vực rừng tràm cổ thụ. VQG Tràm Chim cũng là khu du lịch sinh thái với một cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng đất ngập nước. Cứ mỗi độ vào mùa nước nổi, đến VQG, du khách sẽ có dịp tham quan bằng xuồng máy nhỏ trên bao la sông nước, bốn bề rừng tràm xanh ngút ngàn cùng hệ động, thực vật phong phú.


Những cánh cò Đồng Tháp

Bên cạnh đó, VQG Tràm Chim còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú hỗ trợ cuộc sống của 80% người dân tại đây. Đó là những đồng cỏ trù phú cung cấp nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc. Nguồn cá dồi dào cung cấp nguồn thức ăn chính cho cư dân sông nước.

Với tầm quan trọng như vậy, từ nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã chú trọng các hoạt động giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ VQG Tràm Chim. Trong đó, tập trung phát triển cộng đồng và các chương trình xóa đói giảm nghèo đang được thực hiện trong khu vực vùng đệm của VQG, bao gồm cả việc cho vay vốn tín dụng, trồng rừng tràm.

Việc VQG Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam sau Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định); Bàu Sấu (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, Đồng Nai và hồ Ba Bể (Bắc Cạn), đây thật sự là một tin vui đối với địa phương và người dân xung quanh khu vực VQG.

Bởi theo Công ước Ramsar được thông qua vào năm 1971 tại thành phố Ramsar (Iran) thì khu đất ngập nước để được công nhận là khu Ramsar cần đáp ứng nhiều tiêu chuẩn. Trong đó có những tiêu chuẩn về những loài động thực vật quí hiếm, đặc trưng, điển hình đóng vai trò hỗ trợ cho các hệ sinh thái đang bị đe dọa hoặc các loài có nguy cơ bị nguy hiểm hay cực kỳ nguy hiểm.


Hoa đồng nội khoe sắc

Đây là công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước. Việt Nam đã ký gia nhập công ước Ramsar vào năm 1989. Do đó, cùng với những nỗ lực được công nhận thì việc bảo vệ hệ sinh thái đất ngập nước trong thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, thử thách hơn.


Cánh hạc mùa xuân

Ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc VQG Tràm Chim cho biết: Công ước Ramsa không chỉ có tầm quan trọng đối với địa phương mà nó còn có ý nghĩa rất quan trọng đối với quốc gia. Để công tác gìn giữ và bảo tồn VQG Tràm Chim bền vững, tạo sự hài hòa giữa việc bảo tồn thiên nhiên và tạo sinh kế bền vững cho người dân, cùng với chính quyền địa phương, Ban quản lý khu bảo tồn sẽ tiếp tục mở các lớp tuyên truyền nhằm làm cho người dân nơi đây hiểu và có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ môi trường sống, để vừa bảo tồn đa dạng sinh học ở VQG, đồng thời đem lại lợi ích cho chính họ.

Cùng với nỗ lực bảo vệ khu Ramsa, Ban quản lý khu bảo tồn VQG đang cố gắng hoàn thiện các đề án bảo tồn khu Ramsa như: đề án phát triển Du lịch sinh thái; Đề án bảo tồn và phát triển VQG Tràm Chim; Đề án An sinh xã hội... Đây là những hoạt động trên cơ sở để người dân địa phương cùng quản lý và thực hiện các dịch vụ du lịch sinh thái. Trong tương lai, các hoạt động trên sẽ là những dự án du lịch bền vững vừa bảo tồn, gìn giữ những giá trị độc đáo về lịch sử, văn hóa của hệ sinh thái đất ngập nước, vừa phát triển du lịch hiệu quả...

Mỹ Nhân

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn