Xuân hội ngộ

Cập nhật ngày: 12/02/2013 13:53:59

Họ là những người con của quê hương Đồng Tháp đang sinh sống và hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nhiều địa phương khác nhau, nhưng mỗi khi tết đến - xuân về, từ trong sâu thẳm tâm hồn họ luôn nhớ về quê nhà với một tình cảm tự hào, yêu thương tha thiết.

Trung tá-NSUT Tuấn Anh: Vui vì được cống hiến tài năng cho quê nhà

Đối với khán giả yêu âm nhạc khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung, NSUT Tuấn Anh là một diễn viên thanh nhạc quen thuộc, bởi anh thường xuyên biểu diễn phục vụ công chúng, tham gia các cuộc thi cấp khu vực, toàn quốc và đã đạt nhiều giải cao.


NSUT Tuấn Anh chính thức trở thành diễn viên thanh nhạc của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 9 năm 1991, anh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú năm 2004. Ngoài hoạt động biểu diễn, NSUT Tuấn Anh còn tham gia dàn dựng chương trình, làm giám khảo cho các cuộc thi tuyển giọng hát hay, phong trào văn nghệ quần chúng tại các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ở Đồng Tháp, NSUT Tuấn Anh đã tham gia dàn dựng, làm giám khảo cho nhiều đơn vị: huyện Lai Vung, Bưu điện tỉnh, Công an tỉnh... Anh cho biết, mỗi lần về Đồng Tháp tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật, NSUT Tuấn Anh cảm thấy vui, vì anh đã góp phần cống hiến cho quê nhà. Trong hoạt động nghệ thuật, NSUT Tuấn Anh là người có nhiều ưu điểm: miệt mài rèn luyện cho sự nghiệp ca diễn, nhiều kinh nghiệm sân khấu, khả năng tư duy để nâng cao chất lượng nghệ thuật.

Nghệ sĩ Lam Tuyền: Tự hào về hoa sen Tháp Mười

Nghệ sĩ Lam Tuyền công tác tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang - TP.HCM hơn 10 năm qua. Mặc dù công việc rất bận rộn, nhưng mỗi khi tỉnh nhà có yêu cầu tăng cường về quê biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương hoặc nhu cầu giải trí của khán giả chị đều có mặt.


Năm 2012, Lam Tuyền về Đồng Tháp tham gia biểu diễn gần 10 chương trình (trong đó có một chương trình Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, một chương trình phục vụ Lễ Giỗ Cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc).

Mỗi khi xa quê, hình ảnh mà Lam Tuyền mang theo trong tâm hồn là hoa sen, loài hoa được trồng phổ biến ở quê hương Tháp Mười đã gắn bó với chị từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành. Điều Lam Tuyền càng tự hào hơn là trong năm qua, hoa sen - được bình chọn là quốc hoa của Việt Nam; Khu Di tích Gò Tháp được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Lam Tuyền tin rằng, Tháp Mười - Đồng Tháp sẽ khởi sắc hơn trong tương lai.

NSUT Phượng Hằng: Vui cùng người trồng quýt hồng Lai Vung

Nghệ sĩ Phượng Hằng cho biết, năm 2012, chị may mắn gặt hái được nhiều niềm vui: Đài Truyền hình TP.HCM trao giải thưởng cống hiến, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú, tham gia biểu diễn thành công nhiều chương trình sân khấu cải lương phục vụ công chúng.


Đối với quê nhà Đồng Tháp, những năm qua, Phượng Hằng đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình văn nghệ gây quỹ từ thiện giúp bà con nghèo, hoạt động này sẽ được Phượng Hằng tiếp tục thực hiện ở các năm tiếp theo.

Nhắc đến quê nhà Lai Vung - Đồng Tháp nhân dịp tết đến - xuân về, điều khiến cho Phượng Hằng khó quên là sản phẩm Quýt hồng. Đặc biệt năm nay, chị càng mừng và tự hào vì sản phẩm Quýt hồng Lai Vung được Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học Công nghệ công nhận thương hiệu độc quyền.

Á hậu Hoàn vũ Dương Trương Thiên Lý: Kế thừa nét đẹp của truyền thống của phụ nữ Đồng Tháp

Á hậu hoàn vũ Dương Trương Thiên Lý cho biết, mỗi khi nhắc đến quê hương Đồng Tháp, Thiên Lý thường nhớ đến câu: “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh/Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân”.


Điều đó chứng minh rằng, nét đẹp của người phụ nữ Đồng Tháp đã được nhiều người khẳng định từ lâu, Thiên Lý là một trong những phụ nữ may mắn được thừa hưởng nét đẹp truyền thống đó.

Từ khi đạt danh hiệu Á hoa hậu hoàn vũ đến nay, Thiên Lý tham gia nhiều hoạt động: Đại sứ thương hiệu, Đại sứ từ thiện, Những chương trình quảng cáo, Giám đốc cho các dự án người đẹp Việt Nam tham gia các cuộc thi sắc đẹp thế giới... Do bận rộn nhiều công việc, mỗi năm Thiên Lý chỉ về thăm quê nhà Đồng Tháp một lần.

Mục tiêu của Thiên Lý trong thời gian tới là hướng một số hoạt động từ thiện xã hội về đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Đồng Tháp, để Thiên Lý có nhiều cơ hội chia sẻ, giúp đỡ bà con nghèo quê nhà.

Diễn viên Minh Luân: Bày tỏ niềm tự hào về đặc sản quê nhà

Diễn viên điện ảnh Minh Luân vào nghề chưa được 8 năm nhưng anh đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả, được nhiều người biết đến.


Hàng năm Minh Luân về quê ăn tết, anh thích ăn món khô cá lóc do các cơ sở ở huyện Lấp Vò và huyện Tam Nông sản xuất. Theo Minh Luân, đặc sản khô cá lóc của Đồng Tháp được chế biến rất ngon, đặc biệt là mang hương vị đậm đà từ quê nhà.

Điều làm cho Minh Luân cảm thấy rất vui là sản phẩm khô cá lóc Đồng Tháp hiện nay có thể mua được một cách dễ dàng ở các Siêu thị lớn tại TP.HCM, chẳng hạn như khô cá lóc của Hợp tác xã Tràm Chim - Tam Nông.

Nghệ sĩ Ngọc Lê: Giới thiệu làng hoa Sa Đéc đến nhiều khán giả

Nghệ sĩ Ngọc Lê là diễn viên chuyên hát dân ca, nhạc tài tử, vọng cổ và biểu diễn cải lương của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7. Năm 2012, Ngọc Lê thử sức thêm lĩnh vực điện ảnh. Chị tham gia diễn suất trong bộ phim “Lạc mất linh hồn” của đạo diễn Lê Minh đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả màn ảnh nhỏ.


Ngọc Lê cho biết, Tết là thời gian mà người nghệ sĩ phải lao động nghệ thuật cật lực để phục vụ khán giả, đối với người nghệ sĩ trong Quân đội thì nhiệm vụ ấy càng lớn hơn nhiều, bởi không chỉ phục vụ đơn thuần, mà còn là nhiệm vụ chính trị.

Sinh ra và lớn lên tại Làng hoa Sa Đéc nên Ngọc Lê rất yêu hoa. Trong các đợt đi lưu diễn, chị thường giới thiệu về Làng hoa và nghề trồng hoa ở Sa Đéc đến bạn bè và khán giả gần xa, đó cũng là cách để chị thể hiện niềm tự hào và tình yêu thương quê nhà.

Bá Thảo

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn