Nơi lưu dấu thời gian

Cập nhật ngày: 14/02/2013 13:03:24

Trong năm 2012, Đồng Tháp vui mừng và vinh dự khi di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp được Thủ tướng Chính Phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt; đồng thời thêm 2 di tích được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là đình Định Yên và đình Tân Phú Trung. Điều này góp phần thu hút, làm phong phú và phát triển thêm văn hóa du lịch của tỉnh trong thời gian tới.


Các cổ vật được khai quật tìm thấy tại khu di tích Gò Tháp

Dấu ấn ngàn năm

Khu di tích Gò Tháp tọa lạc tại ấp 1, xã Tân Kiều và ấp 1, xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, với diện tích được quy hoạch khoanh vùng bảo vệ 290 ha. Khu di tích Gò Tháp là di tích khảo cổ học đặc biệt, không nơi nào trong vùng đồng bằng Nam bộ có được bởi nơi đây hội đủ ba loại hình di tích quan trọng là cư trú, mộ táng và kiến trúc.

Kết quả khai quật khảo cổ cho thấy nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế và tôn giáo với hai tôn giáo lớn là Phật giáo và Hindu giáo. Cư dân cổ Gò Tháp đã phát triển một số ngành nghề thủ công, xây dựng, đặc biệt là nghề gốm, kim hoàn, chạm khắc, kiến trúc... Có lẽ nền văn minh cổ xưa phát triển rực rỡ nhất nơi này thuộc về Vương quốc Phù Nam, còn gọi là văn hóa Óc Eo.

Di tích cư trú được phân bổ rộng khắp ở vùng đất trũng (mặt ruộng thấp) được phát hiện ở tầng văn hóa tiếp giáp với đáy biển cổ. Các di vật được tìm thấy là bếp lửa, những mảnh nồi, tượng Phật bằng gỗ và các đồ thờ phụng... Di tích mộ táng được phát hiện ở các gò cát đắp ở độ cao trung bình giữa di tích cư trú và di tích kiến trúc. Qua các đợt khai quật, phát hiện 13 mộ táng và trên 1.000 hiện vật tùy táng chôn theo như: mảnh vàng có chạm khắc hoa văn, đá quí, đầu tượng, đồ gốm, nhẫn vàng, khuyên tai...

Di tích kiến trúc được phát hiện ở các gò cao như: Tháp Mười, Miếu bà Chúa xứ, Chùa Tháp Linh, Minh Sư. Có 8 di tích kiến trúc được tìm thấy, chủ yếu là đền đài. Các di tích này nằm sâu trong lòng đất, được xây dựng ở trình độ cao, có quy mô lớn làm nơi thờ phụng với kiến trúc bình đồ chữ nhật bẻ góc đầu Đông - Tây. Di vật, hiện vật tìm thấy ở đây chủ yếu là các tượng thần Visnu, Siva và cột bằng đá sa thạch, các mảnh vỡ của Yoni, các phiến đá có chạm khắc hoa văn và minh văn... có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ V đến thứ VIII sau công nguyên.


Gò miếu Bà Chúa Xứ trong khu di tích Gò Tháp

Ngoài giá trị về khoa học khảo cổ, khu di tích Gò Tháp còn có giá trị lịch sử cách mạng. Thời kỳ chống Pháp, nơi đây từng là đại bản doanh của nghĩa quân Thiên hộ Võ Duy Dương, Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Gò Tháp trở thành căn cứ địa cách mạng của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ...

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những người con Đồng Tháp thuộc Tiểu đoàn 502 Anh hùng đã lập chiến công vang dội khi đánh sập Viễn Vọng đài (10 tầng, cao 42m) do chế độ Ngô Đình Diệm dựng lên trên gò Tháp Mười để quan sát, khống chế hoạt động của cách mạng.

Bên cạnh đó, ở khu di tích Gò Tháp còn có các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng lâu đời. Có chùa Tháp Linh còn lưu giữ được các tượng Phật cổ xưa, Miếu bà Chúa xứ, miếu thờ và mộ Hoàng cô theo truyền thuyết dân gian là em gái vua Gia Long tên là Nguyễn Phúc Hồng Nga, trong thời gian chạy loạn bà đã về ẩn cư và mất tại đây.

Ngoài ra, môi trường sinh thái khu di tích Gò Tháp còn mang nhiều dấu vết hoang dã và bảo tồn được các thảm thực vật, động vật của vùng sinh thái ngập nước như: tràm, sen, năng, sậy, lúa trời và các loài chim, cá, trăn, rắn...

Qua Tết Nguyên đán Quý Tỵ, khi mái che được xây dựng xong, Gò Minh Sư sẽ được đưa vào phục vụ nhân dân đến tham quan. Hy vọng thời gian tới, khi Nhà trưng bày hiện vật về Xứ ủy Nam bộ và văn hóa Óc Eo, Tháp Sen được xây dựng, với bề dày các giá trị lịch sử, đan xen giữa nền văn hóa cổ xưa và nền văn hóa đương đại của di tích, một ngày không xa, khu di tích Gò Tháp sẽ thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân đến nghiên cứu, tham quan, du lịch.

Đình thần - kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng

Đình Định Yên tọa lạc ở khu đất đầu vàm rạch Ngã Cại, Ngã Bát thuộc xã Định Yên, huyện Lấp Vò. Đình Tân Phú Trung tọa lạc bên rạch Cần Thơ, thuộc xã Tân Phú Trung, huyện Châu Thành. Cả 2 ngôi đình đều có kiến trúc, kết cấu điển hình của ngôi đình Nam bộ thời đầu thế kỷ XX, được Vua Tự Đức sắc phong thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh.


Bao lam, tranh vẽ còn lưu giữ nguyên trạng trên vách đình Định Yên
từ khi xây dựng đến nay

Trong 2 ngôi đình, bàn thờ Thần được đặt trang trọng ở chính giữa, phía trong cùng chánh điện với chữ Thần được sơn son thếp vàng oai nghiêm. Đồng thời, trong 2 ngôi đình còn lưu giữ khá nhiều các bức hoành phi, câu liễn đối, bao lam được chạm khắc mai, lan, cúc, trúc, chim, thú rất tinh xảo.

Đình Định Yên còn giữ được nguyên trạng các giá trị kiến trúc nghệ thuật gỗ rất đặc sắc, các bức tranh sơn thủy, bích họa trên vách có đường nét sắc xảo với nội dung ca ngợi đất nước, con người. Bái đình và chánh điện được xây dựng theo kiểu thượng lầu hạ hiên với các cột gỗ cao. Mái đình lợp ngói âm dương rất đẹp, trên nóc có gắn những hình tượng bằng gốm sứ tinh xảo, mô tả sinh động cảnh sinh hoạt của xã hội thời xưa.

Cổng đình được xây dựng theo kiểu cổng tam quan với mái ngói âm dương có những con rồng bằng gốm quay vào giữa cổng. Hàng năm, đình có hai lễ cúng lớn mang tín ngưỡng nông nghiệp của dân tộc ta là lễ cúng hạ điền (từ ngày 15 - 17/4 âm lịch) và lễ cúng thượng điền (từ ngày 15 - 16/11 âm lịch).

Ở đình Tân Phú Trung, phía trước chánh điện là bái đình thờ Quan thánh Đế quân và 2 người con nuôi được chế tác bằng gỗ trầm. Khánh thờ bằng gỗ sơn đỏ có chạm trổ, sơn son thếp vàng với lưỡng long tranh châu ở phía trên. Trên khánh thờ, tượng Quan công ở giữa với tư thế ngồi mặc triều phục màu xanh; đứng hai bên là tượng Quan Bình, mặt trắng trẻo thư sinh và tượng Châu Xương nét mặt dữ tợn, da đen của một võ tướng.


Tượng cổ Quan Công ở đình Tân Phú Trung

Đình có các cặp hạc đứng trên mai rùa bằng đồng, cao hơn đầu người được làm rất sắc xảo và đẹp. Đình Tân Phú Trung có 2 lễ cúng lớn quan trọng, vào năm chẵn từ ngày 16 - 18/4 âm lịch là lễ cúng Thần, vào năm lẻ từ các ngày 11 - 13/5 là lễ cúng Quan thánh Đế quân.

Với những dấu ấn di tích khảo cổ và kiến trúc nghệ thuật Gò Tháp cũng như giá trị kiến trúc nghệ thuật chạm khắc gỗ, tín ngưỡng dân gian của 2 ngôi đình Định Yên và Tân Phú Trung là những điểm đến hấp dẫn cho du khách khi có dịp đến thăm Đồng Tháp.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn