Vườn cây của những tấm lòng

Cập nhật ngày: 13/02/2013 05:52:48

Khuôn viên rộng 9ha của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc có rất nhiều cây xanh. Từ những cây phổ biến ở miền Nam như: mít, vú sữa,... đến cây đa, cây tre, cây bàng vuông,... được mang đến từ miền Trung, miền Bắc, miền biển đảo xa xôi của Tổ quốc.

Nhiều cây hội tụ trong khu di tích là vạn tấm lòng người phương xa gửi đến quê hương Đồng Tháp như một sự tri ân, tôn kính, ngưỡng mộ vị thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trồng cây
tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc


Bí thư Tỉnh ủy Lê Vĩnh Tân (thứ 2 từ phải sang) - trồng cây lưu niệm
tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Theo Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, năm 1977, trong khuôn viên Khu di tích đã có trên dưới 300 cây xanh được nhiều người mang đến hiến tặng. Trong vô số những loài cây góp màu xanh cho di tích, có 2 cây có niên đại khoảng 300 năm là cây khế và cây sộp do ông Ngô Văn Hay (tức thầy giáo Kỳ) tại thị xã Sa Đéc hiến tặng (năm 1977). Ngoài dáng vẻ cổ thụ hiếm có, theo lời một số người thì thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, dưới hai gốc cây này có hầm cán bộ. Cũng trong năm 1977, một gia đình tại huyện Cao Lãnh đã mang đến tặng Khu di tích hai cây sanh cổ thụ, với tán, thân rất đẹp.

Từ đó đến nay, hàng trăm lượt khách tham quan, người dân địa phương vì sự ngưỡng mộ, muốn góp phần tôn tạo di tích đã mang nhiều cây đến hiến tặng. Dọc trên tuyến đường nội bộ đi vào Ban quản lý Khu di tích có một cây sung cổ thụ dáng rất đẹp, do ông Nguyễn Thế Hữu (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp) tặng.

Vườn cây trong Khu di tích càng có ý nghĩa hơn khi trong chuyến về thăm Đồng Tháp, các vị lãnh đạo cấp cao của Trung ương đều thực hiện nghi thức trồng cây tại đây. Trong chuyến về thăm Đồng Tháp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây lưu niện tại Khu di tích.

Cũng trong chuyến viếng thăm Đồng Tháp trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng với lãnh đạo các Bộ, ngành đã dành thời gian quý báu của mình để tự tay trồng cây tại Khu di tích; Phó Thủ tướng còn trang trọng cầm chiếc bình tưới nước cho cây vải Hưng Yên. Vườn cây trong di tích ngày càng đa dạng với nhiều dáng vẻ, tên gọi, xuất xứ. Cây đa Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang) được chiết nhánh từ cây đa Tân Trào nổi tiếng trong lịch sử. Bụi tre Pắc Pó được mang về từ rừng Pắc Pó (tỉnh Cao Bằng). Cây bàng vuông được mang về từ Trường Sa yêu dấu...


Để gìn giữ vườn cây đầy ý nghĩa này, Ban quản lý Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cùng với nhân viên đã chăm sóc cây cẩn thận. Chính vì thế, dù xuất xứ từ nhiều vùng miền khác nhau, quá trình vận chuyển xa xôi nhưng cây xanh vẫn tươi tốt, góp phần làm cho cảnh quan ngày càng tươi đẹp. Được biết, trong năm 2013, vườn cây sẽ được bố trí, sắp xếp đẹp hơn phục vụ cho nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, đồng thời giúp người dân trong và ngoài tỉnh hiểu biết hơn về những đặc trưng của các vùng miền.

Xuân về, vườn cây của những tấm lòng với trên dưới 1.000 loài xanh tươi khoe sắc trong Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc. Không gian thiêng liêng và ấm áp ấy như bao lời trân trọng, tri ân bên mộ người thân sinh của Bác Hồ.

Cúc Phương

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn