Một tài hoa điêu khắc gỗ

Cập nhật ngày: 14/02/2013 13:02:02

Tại khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, có 2 tác phẩm điêu khắc gỗ được thực hiện trên gốc rễ cây cổ thụ là cụm tượng 12 con giáp và cụm tượng 9 con rồng được trưng bày phục vụ nhân dân đến viếng khu di tích thưởng lãm. Tác giả 2 tác phẩm trên là nghệ nhân Lê Trí Liên (Sinh năm 1968), một người con đất Thanh Hóa đã chọn Đồng Tháp làm quê hương thứ hai của mình.


Tác phẩm cụm tượng 12 con giáp đặt tại Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc

Kể về quá trình thực hiện tác phẩm 12 con giáp, anh Lê Trí Liên cho biết: Sau khi nhận được lời mời chế tác tác phẩm này, anh đã trăn trở suy nghĩ khá lâu về ý tưởng thực hiện tác phẩm. Qua nhiều ngày đêm suy tưởng, anh phác thảo tác phẩm thành bản vẽ, chỉnh sửa nhiều lần đến khi thật ưng ý. Sau khi bản thảo tác phẩm được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, anh Liên cùng nhóm thợ bắt tay vào chế tác tác phẩm.

Từ gốc rễ cây dầu cổ thụ xù xì, nặng khoảng 10 tấn, qua đôi bàn tay tài hoa của anh Liên, chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng đã trở thành tác phẩm nghệ thuật cụm tượng 12 con giáp tinh xảo, sống động. Mặt trên của gốc cây được khắc hình hoa Sen, ở giữa là biểu tượng đất nước Việt Nam hình chữ S, xung quanh thân gốc là hình đàn chim Lạc. Phía dưới gốc cây khắc các đóa hoa Sen, lá Sen vươn lên trên sóng nước. Ở mỗi rễ cây là tượng của từng con vật trong 12 con giáp với tư thế khỏe mạnh, dũng mãnh, thể hiện tính cách đặc trưng của từng loài.

Còn tác phẩm cụm tượng chín con rồng, mặt gốc cây được điêu khắc hình trống đồng, các rễ cây anh Liên chế tác thành hình 9 con rồng với nhiều tư thế bay lượn sống động xung quanh trống đồng. Có thể nói mỗi tác phẩm đều mang vẻ đẹp riêng, ẩn chứa triết lý nhân sinh, thể hiện một cách sống động ý nghĩa văn hóa dân tộc Việt Nam.


Anh Lê Trí Liên đang thực hiện cụm tượng 9 con rồng

Theo anh Lê Trí Liên, trong nghệ thuật điêu khắc gỗ, điều quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm là tay nghề của nghệ nhân khi cắt tạo hình khối, phác thảo tác phẩm. Tùy vào hình dáng của từng gốc cây, bộ rễ, bằng con mắt nhà nghề người thợ ước lượng hình dáng, kiểu thế của hình tượng nào là thích hợp và phải tính toán bố cục cho hài hòa, tạo hình khối đẹp. Sau đó là đến công đoạn đục đẽo để tạo hình chi tiết cho tác phẩm, mỗi nét chạm điêu khắc cần được chăm chút bởi linh hồn, sắc thái của tác phẩm phụ thuộc vào đường nét hình tượng. Sau cùng là đánh bóng làm đẹp cho tác phẩm.

Mỗi tác phẩm điêu khắc gốc rễ cây được chế tác đều mang tính nghệ thuật.

Các tác phẩm do anh Lê Trí Liên chế tác đều liền một khối, không lắp ghép và điêu khắc theo không gian ba chiều nên đặc biệt sống động, tinh xảo. Các gốc rễ cây vô tri qua bàn tay tài hoa của anh Liên đã biến thành những tác phẩm đẹp mang giá trị nghệ thuật cao, mang sức sống và giá trị mới. Hiện nay, anh Liên đang được mời thực hiện tác phẩm chín con rồng quanh mặt trống đồng được khách đặt để hiến cúng cho đền thờ nghĩa trang liệt sĩ thị xã Hồng Ngự.

Kể về chuyện đời, chuyện nghề, anh Liên tâm sự, với niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc, anh đã theo học nghề với nhiều thầy, đi qua các miền đất nước, chế tác rất nhiều tác phẩm trên cả 2 loại vật liệu bằng gỗ và đá. Đến nay anh đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề. Bốn năm trước, có người mời anh về Hồng Ngự chế tác các tác phẩm, sau thời gian sống tại đây, anh đã quyết định chọn Đồng Tháp làm quê hương thứ hai cho gia đình nhỏ của mình. Anh đã mở cơ sở dạy nghề điêu khắc gỗ tại khu đền thờ liệt sĩ thị xã Hồng Ngự để dạy nghề miễn phí cho những thanh niên muốn đi theo con đường nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Theo anh Liên, với nghề này, nếu thích và chịu khó học thì khoảng 5 tháng học là đã có thể làm được nghề. Nhưng để có được tài nghệ cao, cần phải qua nhiều năm khổ luyện các kỹ năng mới thành tài được. Điều anh Liên trăn trở là còn quá ít bạn trẻ ở địa phương chịu khó học, gắn bó với nghề, trong khi đây là nghề có thể sống được và anh sẵn sàng nhận lại học trò làm thợ tại cơ sở của mình.

Tài hoa trong nghề nghiệp, thích nghiên cứu sáng tạo, giờ đây anh Liên đã có những tác phẩm được nhiều người biết đến, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến anh Liên và đơn đặt hàng ngày càng nhiều. Với niềm đam mê và không ngừng sáng tạo cùng sự lao động cần mẫn, đôi bàn tay tài hoa, anh Lê Trí Liên đã tạo dựng được danh tiếng vững chắc trong lòng người yêu thích môn nghệ thuật điêu khắc gỗ ở Đồng Tháp.

Thanh Trúc

< Trở về trang trước
Gửi bình luận của bạn